Ngày 15/1, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã làm việc với UBND huyện Mỹ Đức về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện Mỹ Đức, hiện trên địa bàn huyện có tổng số 4.807 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố.
Trong dịp Tết năm nay, huyện thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm và 20 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã, thị trấn. Đến nay, đoàn tuyến huyện đã kiểm tra được 351 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 333 (chiếm tỷ lệ 95%); tuyến xã, thị trấn kiểm tra 36 cơ sở, số cơ sở đạt là 32 (đạt tỷ lệ 89%). Qua đó, phát hiện 22 cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện trang thiết bị dụng cụ chưa bảo đảm và tiến hành xử phạt với số tiền 24 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra số 1 kiểm tra xưởng sản xuất nấm Kinoko. (Ảnh: Thu Trang/HNM)
Tại huyện Mỹ Đức, đoàn kiểm tra số 1 của thành phố đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại xưởng sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao. Công ty này chuyên sản xuất nấm kim châm, nấm đùi gà với sản lượng 2 tấn/ngày.
Qua công tác kiểm tra, ông Đặng Thanh Phong nhận xét, quy trình sản xuất, điều kiện cơ sở vật chất của nhà xưởng đều đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm. Nhà xưởng được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cùng với các hệ thống theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, quy trình tiệt trùng...
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở cũng xuất trình đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý, giấy khám sức khỏe của người lao động...
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết năm 2025, trong đó 3 đoàn do lãnh đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương làm trưởng đoàn và 1 đoàn do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố làm trưởng đoàn.
Nội dung kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội, như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống…
Trong tháng triển khai đợt cao điểm thành phố Hà Nội thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, (tính từ ngày 15/12/2024 đến 10/1/2025) toàn thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 6.829 cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó 5.828 cơ sở đạt, vi phạm 1.001 cơ sở; phạt 954 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 4,8 tỷ đồng, nhắc nhở 30 cơ sở và đang tiếp tục xử lý vi phạm với 17 cơ sở.
Theo Đại diện Chi cục VSATTP Hà Nội, dịp Tết và lễ hội đầu xuân tới, các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất ở các quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được công khai, nghiêm túc, không bao che. Khi phát hiện cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng yêu cầu chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm, giám sát việc khắc phục và thẩm định đến khi nào đạt yêu cầu mới cho hoạt động trở lại. Nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm, sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.
Bình Nguyên