Theo Space.com, các nhà thiên văn học vừa phát hiện 28 vật thể lạ lùng bên trong Đám mây Magellan Lớn (LMC) và Đám mây Magellan Nhỏ (SMC), hai thiên hà vệ tinh của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).
Phân tích chuyên sâu cho thấy 28 vật thể lạ này thực ra là 28 "milinova", tạm gọi là "tiểu tân tinh", do 28 ngôi sao biến quang có hành vi kỳ quặc tạo nên.
Ảnh minh họa về cách "vật thể từ cõi chết" - tức sao lùn trắng - đang phát nổ trong lúc tiếp tục ngấu nghiến người bạn đồng hành - Ảnh: ĐẠI HỌC WARSAW
Trong thiên văn học có một thuật ngữ hay được dùng gọi là "siêu tân tinh", tức supernova, là vụ nổ cuối đời rực rỡ của những ngôi sao.
Mặt Trời của chúng ta cuối cùng sẽ trở thành một siêu tân tinh như vậy.
Các milinova mới được phát hiện có tầm vóc nhỏ hơn nhiều, nhưng vẫn sáng gấp 100 lần Mặt Trời.
Chúng không phải là cái chết cuối cùng của các ngôi sao, mà là những đợt phun trào bất thường được ghi nhận từ các ngôi sao có sự thay đổi về độ sáng liên tục khi quan sát, gọi là sao biến quang.
Nhưng các ngôi sao biến quang vừa được ghi nhận hoàn toàn độc đáo.
Chúng tạo ra các vụ bùng nổ đối xứng hình tam giác rất đặc trưng không giống với bất kỳ ngôi sao biến quang nào đã biết trước đó, theo TS Przemek Mróz từ Đại học Warsaw (Ba Lan), thành viên nhóm nghiên cứu.
Họ tin rằng điều này là do các ngôi sao biến quang được quan sát thực ra đã chết từ lâu.
Chúng là sao lùn trắng, phần "thây ma" còn sót lại sau vụ nổ cuối đời của những ngôi sao giống Mặt Trời. Nhưng các sao lùn trắng xa xôi này không đơn độc như Mặt Trời mà có một người bạn đồng hành, tức thuộc về một hệ sao đôi.
Không may, các sao lùn trắng này lại trở thành "ma cà rồng", hút vật chất từ người bạn đồng hành. Mỗi khi quá no, chúng lại bùng nổ và giải phóng năng lượng dư thừa.
Các vật thể lạ mắt này đã được phát hiện tình cờ trong cuộc khảo sát OGLE, một dự án kéo dài 20 năm để tìm kiếm các lỗ đen nguyên thủy còn sót lại từ sự kiện Vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ.
Các ngôi sao biến quang lạ đã gây chú ý bởi sáng lên gấp 10 đến 20 lần trong những lần bùng nổ, theo chu kỳ vài tháng đến vài năm.
Một trong số đó, được gọi là OGLE-mNOVA-11, phun trào vào cuối năm ngoái, đã cho phép nhóm nghiên cứu thực hiện một nghiên cứu chi tiết về các vật thể này.
Theo Người lao động