Theo thông tin từ khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (tỉnh Nghệ An), đơn vị vừa công bố nhiều loài chim quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam hiện đang sinh sống trên các cánh rừng trong khu bảo tồn.
Cán bộ BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống trong một chuyến đặt bẫy ảnh.
Cụ thể, đợt điều tra đa dạng sinh học các loài chim, cán bộ kỹ thuật khu bảo tồn triển khai trên 6 tuyến với gần 40km, lập 12 ô tiêu chuẩn, thiết lập 25 điểm đặt bẫy ảnh, máy ghi âm, lưới mờ. Kết quả bổ sung 8 loài chim mới lần đầu được ghi nhận tại đây, bao gồm: Diều ăn ong (Pernis ptilorhynchus), Chim nghệ ngực vàng (Aegithina tiphia), Rẻ quạt họng trắng (Rhipidura albicollis), Vành khuyên sườn hung (Zosterops erythropleurus), Khướu mào bụng trắng (Erpornis zantholeuca), Bông lau họng vạch (Pycnonotus finlaysoni), Lách tách mày đen (Alcippe grotei), và Oanh đuôi cụt lưng xanh (Tarsiger cyanurus).
Kết quả này đã làm tăng thêm số loài chim được ghi nhận tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Theo danh mục chim Việt Nam mới nhất, khu bảo tồn này hiện chiếm 28,7% tổng số loài chim của cả nước, một con số phản ánh rõ nét sự đa dạng sinh học của khu vực.
Thông qua bẫy ảnh lực lượng chức năng phát hiện nhiều loài chim hiện đang sinh sống trong khu bảo tồn Pù Huống.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cũng ghi nhận được sự đa dạng đáng kể về các loài chim, với 37 họ và 164 loài thuộc bộ sẻ,18 loài thuộc bộ gõ kiến, 12 loài thuộc bộ ưng, 11 loài thuộc bộ gà, 11 loài thuộc bộ sả, 10 loài thuộc bộ bồ câu, cùng nhiều bộ chim khác có dưới 10 loài, chiếm tỷ lệ không đáng kể trong hệ chim của khu bảo tồn.
Tổng cộng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống ghi nhận 48 loài chim quý hiếm. Trong đó, có 7 loài được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam, 12 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN, và 6 loài nằm trong nhóm các loài chim nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Sự đa dạng này không chỉ phản ánh giá trị bảo tồn cao của hệ chim tại khu Bảo tồn thiên nhiênPù Huống mà còn bao gồm nhiều loài đặc biệt quý hiếm như trĩ sao, công, hồng hoàng, niệc mỏ vằn, niệc nâu, và gà tiền mặt vàng.
Một số hình ảnh bẫy ảnh ghi nhận các loài chim quý ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống:
Đợt điều tra đa dạng sinh học các loài chim, cán bộ kỹ thuật khu bảo tồn đã triển khai trên 6 tuyến với gần 40km, trong đại ngàn khu bảo tồn.
Khướu mào bụng trắng (Erpornis zantholeuca).
Cá thể chim oanh đuôi cụt lưng xanh (Tarsiger cyanurus).
Cá thể chim lách tách mày đen (Alcippe grotei).
Cá thể chim bông lau họng vạch (Pycnonotus finlaysoni).
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã ghi nhận tổng cộng có 273 loài chim, thuộc 60 họ, 17 bộ.
Người dân địa phương xác định các vùng hiểu biết tại khu vực rừng sinh sống giúp các đoàn chuyên gia lập bản đồ cộng đồng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Hoàng Trinh - Hải An