Phát hiện bất ngờ: Trái Đất đang có hàng chục mặt trăng nhỏ ẩn giấu?

Phát hiện bất ngờ: Trái Đất đang có hàng chục mặt trăng nhỏ ẩn giấu?
một ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo trang Daily Mail (Anh), nhóm các nhà khoa học tại Mỹ, Italy, Đức, Phần Lan và Thụy Điển cho biết Trái đất thường xuyên có trung bình khoảng 6 minimoon quay quanh. Đáng chú ý, phần lớn trong số này có thể là các mảnh vỡ được bắn ra từ chính Mặt trăng – vệ tinh tự nhiên mà chúng ta vẫn nhìn thấy mỗi đêm.
Các nhà nghiên cứu nói rằng những tiểu vệ tinh này thường chỉ có đường kính khoảng 2 mét và được hình thành sau các vụ va chạm của thiên thạch với bề mặt Mặt trăng. Khi thiên thạch đâm vào, bụi và đá bị bắn tung ra không gian. Một phần trong số đó, nếu đủ lớn và có quỹ đạo phù hợp, có thể thoát khỏi lực hấp dẫn của Mặt trăng, rơi vào vùng ảnh hưởng trọng lực của Trái đất và quay quanh hành tinh của chúng ta.
Những mảnh vỡ này được gọi là vật chất phóng ra từ Mặt trăng và nhiều trong số đó có thể thiết lập các quỹ đạo tạm thời nhưng tương đối ổn định quanh Trái đất. Tuy nhiên, các minimoon thường chỉ “lưu trú” trong một thời gian ngắn trước khi bị đẩy ra khỏi quỹ đạo, hoặc hiếm hơn, rơi trở lại Trái đất hay va vào Mặt trăng.
Phần lớn các vật thể dạng này được phân loại là TBO (temporarily bound objects – vật thể tạm thời bị Trái đất giữ lại). Sau một thời gian ngắn bay quanh Trái đất, chúng sẽ thoát ra khỏi quỹ đạo và tiếp tục trôi dạt trong không gian, thường bị hút về phía Mặt trời. Đồng thời, các va chạm mới trên Mặt trăng lại tiếp tục tạo ra những mảnh vỡ khác, thay thế vào quỹ đạo quanh Trái đất.
Giáo sư Robert Jedicke, nhà nghiên cứu tại Đại học Hawaii, ví hiện tượng này như một “điệu nhảy hình vuông”, trong đó các cặp bạn nhảy (tức minimoon) liên tục đổi chỗ, rời đi rồi được thay thế bằng những bạn nhảy mới.
Các nhà thiên văn học đã tạo ra một mô phỏng về hình dạng của 2024 PT5, mặt trăng nhỏ trong không gian. Ảnh: Daily Mail
Dựa trên dữ liệu phân tích, nhóm nghiên cứu ước tính rằng khoảng 18% số vật thể TBO có đủ điều kiện để phân loại là minimoon. Theo đó, trung bình có khoảng 6,5 minimoon có đường kính trên 1 mét đang hiện diện trong hệ Trái đất – Mặt trăng tại bất kỳ thời điểm nào.
Phát hiện này có thể làm thay đổi giả thuyết trước đây rằng phần lớn minimoon có nguồn gốc từ vành đai tiểu hành tinh – khu vực nằm giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc. Một nghiên cứu năm 2018 từng cho rằng hầu hết các TBO là các tiểu hành tinh bị hút tạm thời vào quỹ đạo Trái đất.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Icarus tập trung vào hai minimoon gần đây là Kamoʻoalewa và 2024 PT5, với nhiều dấu hiệu cho thấy chúng có thể là mảnh vỡ của Mặt trăng.
Cụ thể, Kamoʻoalewa, được phát hiện năm 2016 bằng kính viễn vọng Pan-STARRS1 tại Hawaii, có khả năng phản xạ ánh sáng tương tự bề mặt Mặt trăng. Vệ tinh này có đường kính ước tính từ 40 đến 100 mét, với thành phần chính là silicat – loại khoáng chất phổ biến trong đá Mặt trăng, khác biệt rõ rệt với các tiểu hành tinh giàu kim loại hoặc carbon trong hệ Mặt trời.
Trong khi đó, 2024 PT5, được phát hiện ngày 7/8/2024 khi đang tiến vào quỹ đạo Trái đất, cũng thể hiện đặc điểm cấu tạo tương đồng với đá Mặt trăng. Kích thước lớn và khoảng cách gần khiến các nhà thiên văn học gọi đây là “Mặt trăng thứ hai tạm thời của Trái đất”. Quan sát quỹ đạo và đặc tính bề mặt đã củng cố giả thuyết rằng 2024 PT5 không phải là tiểu hành tinh lạc lối, mà là một mảnh vỡ văng ra từ Mặt trăng sau một vụ va chạm cổ xưa.
Giả thuyết phổ biến nhất hiện nay về nguồn gốc của Mặt trăng – gọi là giả thuyết va chạm lớn, cho rằng khoảng 4 tỷ năm trước, Trái đất từng va chạm với một thiên thể có kích thước tương đương sao Hỏa. Lượng vật chất bắn ra từ vụ va chạm sau đó kết tụ lại thành Mặt trăng ngày nay.
Nếu giả thuyết này cùng với nguồn gốc từ Mặt trăng của 2024 PT5 là chính xác, điều đó có nghĩa rằng minimoon này là “con” của Mặt trăng, còn Trái đất, theo nghĩa hình tượng, chính là “ông bà” của nó.
Vy Hân/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/phat-hien-bat-ngo-trai-dat-dang-co-hang-chuc-mat-trang-nho-an-giau-20250724200200750.htm