Phát hiện cơ sở sử dụng hóa chất cấm sản xuất giá đỗ tại Lào Cai

Phát hiện cơ sở sử dụng hóa chất cấm sản xuất giá đỗ tại Lào Cai
một ngày trướcBài gốc
Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm.
Sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất giá đỗ
Theo thông tin từ Công an tỉnh Lào Cai, ngày 23/5/2025, lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra hai cơ sở sản xuất giá đỗ tại thành phố Lào Cai, gồm hộ ông Lưu Văn Vẽ (SN 1969, trú tại phường Bắc Cường) và ông Tạ Văn Hải (SN 1970, trú tại xã Vạn Hòa).
Qua kiểm tra thực tế, tại nhà ông Lưu Văn Vẽ, lực lượng chức năng phát hiện 271 thùng chứa giá đỗ các loại với tổng khối lượng khoảng 2,5 tấn. Cùng thời điểm, tại nhà ông Tạ Văn Hải, cơ quan chức năng ghi nhận 602 thùng giá đỗ đã được ủ và chuẩn bị đem đi tiêu thụ.
Cảnh sát kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ ở Lào Cai. Ảnh: Công an tỉnh Lào Cai
Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện cả hai cơ sở đều sử dụng một loại dung dịch lạ để pha chế, ngâm ủ trong quá trình sản xuất giá đỗ. Nghi ngờ dung dịch trên là hóa chất không rõ nguồn gốc, Công an tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản, thu giữ mẫu dung dịch và gửi tới Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để giám định thành phần.
Kết quả phân tích từ Viện Khoa học hình sự cho thấy, dung dịch mà hai cơ sở sử dụng là 6-Benzylaminopurine (viết tắt là 6-BAP), một loại chất kích thích tăng trưởng tế bào thường được sử dụng trong nông nghiệp để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Đây là chất cấm tuyệt đối trong sản xuất, chế biến thực phẩm do có thể gây tổn thương gan, thận, phổi, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu tiếp xúc lâu dài hoặc tích tụ qua đường ăn uống.
Tại cơ quan điều tra, hai hộ sản xuất đã bước đầu thừa nhận hành vi vi phạm. Ông Lưu Văn Vẽ khai nhận bắt đầu sử dụng hóa chất 6-BAP từ tháng 5/2024 đến khi bị phát hiện, với mục đích làm cho giá đỗ mập, trắng, ít rễ, tăng sản lượng thu hoạch.
Theo ước tính của lực lượng chức năng, cơ sở này đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 180 tấn giá đỗ trong suốt một năm hoạt động. Trong khi đó, ông Tạ Văn Hải cũng thừa nhận sử dụng dung dịch pha chế từ 6-BAP và nước vôi trong để ủ giá đỗ, với quy mô tiêu thụ gần 168 tấn/năm.
Cả hai đối tượng khai nhận, giá đỗ sau khi ủ bằng hóa chất sẽ có hình thức bắt mắt, ít bị hư hỏng và dễ bán ra thị trường. Sau khi thu hoạch, lượng giá đỗ lớn này được phân phối đến các chợ dân sinh, cửa hàng rau củ quả trên địa bàn thành phố Lào Cai và một số địa phương lân cận như huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn…
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, việc sử dụng 6-Benzylaminopurine trong sản xuất thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cộng đồng. Khi chất này tồn dư trong rau mầm hoặc giá đỗ, người tiêu dùng hấp thụ thường xuyên sẽ đối mặt với các nguy cơ như rối loạn chức năng gan, suy giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và nội tiết. Đặc biệt, với trẻ em và người cao tuổi có sức đề kháng yếu, nguy cơ nhiễm độc càng cao.
Việc sử dụng hóa chất cấm trong thực phẩm không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự coi thường sức khỏe cộng đồng, phá hoại niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông sản trong nước.
Không dung thứ cho hành vi đầu độc thực phẩm
Hiện Công an tỉnh Lào Cai đang tiếp tục củng cố hồ sơ, thu thập thêm tài liệu và chứng cứ để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật. Đồng thời, các mẫu giá đỗ cũng được gửi đi xét nghiệm nhằm đánh giá mức độ tồn dư hóa chất độc hại.
Lực lượng chức năng cũng khẩn trương phối hợp với ngành y tế và quản lý thị trường để rà soát, truy xuất nguồn gốc lô hàng đã được phân phối ra thị trường, đồng thời tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số giá đỗ nghi nhiễm độc.
Đại diện Công an tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, việc phát hiện và xử lý kịp thời vụ việc là hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông sản hiện nay.
Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình làm nghề truyền thống, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Cơ quan công an cũng đề nghị người dân chủ động tố giác các hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định bởi các cơ quan chức năng.
Vụ việc hai cơ sở tại thành phố Lào Cai sử dụng hóa chất cấm 6-BAP để sản xuất giá đỗ một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp thiết về siết chặt quản lý an toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn vẫn đang âm thầm len lỏi trong đời sống hằng ngày, việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống pháp luật và các cơ quan thực thi công vụ.
Lập Nguyễn
Nguồn Bảo Vệ Công Lý : https://baove.congly.vn/phat-hien-co-so-su-dung-hoa-chat-cam-san-xuat-gia-do-tai-lao-cai-480435.html