Phát hiện dấu chân bò sát cổ nhất thế giới tại Úc: Viết lại lịch sử tiến hóa

Phát hiện dấu chân bò sát cổ nhất thế giới tại Úc: Viết lại lịch sử tiến hóa
9 giờ trướcBài gốc
Một phiến đá sa thạch rộng 35 cm được tìm thấy tại vùng Taungurung, gần Mansfield ở bang Victoria, mang những dấu chân có móng vuốt rõ ràng – bằng chứng đầu tiên cho thấy các loài bò sát đã đi lại trên đất liền từ cách đây khoảng 350–359 triệu năm. Điều này đẩy lùi thời điểm xuất hiện của động vật có màng ối – nhóm động vật bao gồm bò sát, chim và thú – sớm hơn ít nhất 35 triệu năm so với các ghi chép hóa thạch trước đó.
Trên bề mặt phiến đá, các nhà khoa học phát hiện hai dải dấu chân rõ nét. Một trong số đó chồng lên một dấu chân đơn lẻ khác, quay ngược hướng – cho thấy sự di chuyển của ít nhất hai cá thể. Bề mặt còn lưu lại dấu tích của những giọt mưa vừa rơi trước khi sinh vật để lại dấu chân, chứng minh rằng chúng đã bước đi trên mặt đất khô ráo.
Hình minh họa về một sinh vật giống thằn lằn để lại dấu vết hóa thạch.
Điều đặc biệt là tất cả các dấu chân đều mang dấu móng vuốt – một đặc điểm chỉ có ở động vật có màng ối. Điều này khiến các nhà khoa học tin chắc rằng đây là dấu vết của những loài bò sát cổ đại, không phải lưỡng cư như ếch hay kỳ giông.
Trước phát hiện này, các hóa thạch bò sát cổ nhất từng được biết đến đều đến từ Bắc bán cầu, đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu, có niên đại khoảng 318 triệu năm. Gần đây nhất, một dấu chân bò sát cổ tại Ba Lan được xác định khoảng 328 triệu năm tuổi.
Tuy nhiên, phiến đá tại Úc – thuộc phần đá trầm tích đầu tiên của kỷ Carbon – đã vượt xa tất cả về mặt niên đại. Phát hiện này buộc giới khoa học phải xem xét lại toàn bộ dòng thời gian tiến hóa: nếu bò sát đã tồn tại ở thời điểm này, thì tổ tiên chung của bò sát và lưỡng cư hẳn đã xuất hiện từ kỷ Devon, có thể cách đây tới 380 triệu năm.
Điều đó có nghĩa là trong thời kỳ mà trước đây ta chỉ nghĩ có những loài cá đang "học" đi bộ lên bờ – như Tiktaalik – thì thực tế có thể đã tồn tại những loài tứ chi tiến hóa cao, là họ hàng gần với các động vật hiện đại.
Điều khiến phát hiện này thêm phần đặc biệt là vị trí địa lý. Trong khi hầu hết các hóa thạch tứ chi cổ đại từng được tìm thấy tại siêu lục địa Euramerica ở Bắc bán cầu, thì dấu chân mới lại xuất phát từ Gondwana – siêu lục địa phía Nam bao gồm Nam Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Nam Cực và Úc.
Tại Gondwana, hồ sơ hóa thạch kỷ Devon và kỷ Carbon còn rất nghèo nàn, để lại khoảng trống lớn trong hiểu biết về tiến trình tiến hóa. Chính điều này khiến phát hiện tại Victoria trở thành một “mảnh ghép vàng” trong bức tranh còn nhiều lỗ hổng.
Câu hỏi lớn giờ đây là: Có phải tổ tiên của tất cả các loài động vật có màng ối – bao gồm cả con người – không phải xuất phát từ các đầm lầy nhiệt đới Bắc bán cầu như lâu nay vẫn nghĩ, mà là từ các vùng đất ôn đới của Gondwana, nơi ngày nay là nước Úc?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng theo các nhà khoa học, chỉ có thêm nhiều cuộc khai quật hóa thạch tại các lục địa phía Nam mới có thể hé lộ toàn bộ câu chuyện của lịch sử tiến hóa – và có thể, lịch sử của chính loài người.
Như Ý (Science Alert)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phat-hien-dau-chan-bo-sat-co-nhat-the-gioi-tai-uc-viet-lai-lich-su-tien-hoa/20250516105138354