Hình thái và lây nhiễm nhân tạo tuyến trùng sần rễ Meloidogyne enterolobii trên dâu tằm.
Theo đó khẳng định dịch hại trên cây dâu tằm do tuyến trùng sần rễ Meloidogyne enterolobii ở Lâm Đồng.
“Thủ phạm” khiến dâu tằm chết hàng loạt
Các nhà khoa học Phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (VAST) đã công bố đầu tiên về phát hiện và khẳng định dịch hại trên cây dâu tằm do tuyến trùng sần rễ Meloidogyne enterolobii ở Lâm Đồng thông qua thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyến trùng hại cây dâu tằm (Morus alba L) và các biện pháp phòng chống tổng hợp tại Lâm Đồng.
Cây dâu tằm là một trong những cây trồng quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế cho nhiều địa phương. Lâm Đồng có diện tích dâu tằm lớn nhất cả nước với khoảng 9.800 ha, sản lượng lá dâu ước đạt khoảng 247.000 tấn, sản lượng kén đạt khoảng 16.000 tấn, sản lượng sợi tơ các loại đạt trên 2.000 tấn; toàn tỉnh có khoảng 16.000 hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm.
Mặc dù vậy, tuyến trùng hại dâu tằm là đối tượng dịch hại mới nổi đã xuất hiện tại Lâm Đồng, năm 2020 - 2021 bệnh đã lan rộng và gây hại 425 ha tại huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Với tình hình dịch hại gây chết hàng loạt và lan rộng trên cây dâu tằm ở Lâm Đồng cần được xác định nguyên nhân để có thể đưa các các biện pháp phòng chống và ngăn chặn kịp thời.
TS Trịnh Quang Pháp - chủ nhiệm đề tài cho biết, triệu chứng gây hại trên đồng ruộng trên cây dâu tằm ở Lâm Đồng cho thấy liên quan đến tuyến trùng sần rễ, Meloidogyne spp.
Nhóm tuyến trùng sần rễ được biết đến là một trong những giống tuyến trùng ký sinh thực vật đa thực và gây hại lớn nhất trên thế giới trong các nhóm tuyến trùng thực vật, là loài ký sinh nội sinh có khả năng lây nhiễm hầu như mọi loài thực vật bậc cao và có phạm vi phân bố gần như toàn cầu.
Việc phân loại chính xác vị trí phân loại loài thuộc nhóm này đòi hỏi nhiều kỹ thuật như: Phân tích sự chồng lấn trong hình thái giữa các loài Meloidogyne gần gũi khó phân biệt; khẳng định loài bằng kỹ thuật phân tử.
Kết quả phân tích các chỉ số hình thái và hình thái lượng của quần thể tuyến trùng sần rễ trên dâu tằm ở huyện Đạ Tẻh và Lâm Hà (Lâm Đồng) được so sánh với các loài Meloidogyne trên thế giới cho thấy gần với loài M. enterolobii như: Hình dạng vùng chậu, vị trí phasmids, đường bên, của con cái, vị trí mút đuôi, số đo của con đực và ấu trùng tuổi 2 (Hình 2A-E).
Mặc dù hầu hết các chỉ số hình thái giống với các quần thể M. enterolobii khác nhưng một số chỉ số hình thái lượng chồng chéo với loài gần nhất là loài M. incognita.
Phân tích trình tự và cây phả hệ vùng gen D2-D3/28S rRNA và 18S rRNA của mẫu vật thu thập được (trình tự đăng ký trên GenBank: OR889633, OR889634, OR896547) giống 99-100% với các quần thể
M. enterolobii trên cây cảnh và cỏ sân golf ở North Carolina (Mỹ), cây ớt (Thái Lan), hoa trạng nguyên (Đài Loan, Trung Quốc) và tách biệt hoàn toàn với các loài M. incognita. Do đó, khẳng định quần thể tuyến trùng sần rễ thu được ở Lâm Đồng trên cây dâu tằm là loài Meloidogyne enterolobii.
Nằm trong đối tượng kiểm dịch thực vật
Trong khi nhiều loài gây hại trong vườn có thể nhìn thấy bằng mắt thường thì tuyến trùng gây u rễ lại ẩn nấp bên dưới bề mặt đất. Những sinh vật giống sâu nhỏ này, chúng ta chỉ phát hiện ra thiệt hại của chúng trước rồi mới xác định được mầm bệnh ở đâu. Nhóm tuyến trùng này gây ra sự phát triển nhiều nốt trên rễ cây. Nếu không được điều trị, những loài gây hại này có thể phá hủy và gây hại cho cả khu vườn.
Tuyến trùng là một ngành giun nhỏ chứa khoảng 25.000 loài riêng lẻ. Mặc dù bạn có thể không nhìn thấy tuyến trùng nhưng có hàng tấn tuyến trùng hiện diện trên thế giới. Nhưng không phải tất cả những sinh vật này đều là tuyến trùng gây hại cho rễ.
Chúng có thể tồn tại ở nhiều điều kiện đa dạng và nhiều nguồn thức ăn khác nhau. Một số tuyến trùng ăn nấm, vi khuẩn hoặc các sinh vật cực nhỏ khác. Các loại tuyến trùng khác ăn trứng côn trùng hoặc ấu trùng, khiến chúng trở thành sinh vật có lợi cho khu vườn.
Để ức chế phát triển của tuyến trùng, nhóm nghiên cứu đã đánh giá khả năng gây hại cũng được xác định theo quy trình Koch cho thấy sau 90 ngày lây nhiễm trên cây con dâu tằm, chỉ số sinh sản trung bình của quần thể loài M. enterolobii rất cao RF=11.5 và xuất hiện triệu trứng vàng lá, sần toàn bộ rễ hoàn toàn tương phản chính xác triệu chứng trên đồng ruộng.
Khẳng định quẩn thể loài M. enterolobii trên cây dâu tằm ở Lâm Đồng có tính gây bệnh rất cao như cảnh báo trên một số nước trên thế giới loài này được xếp vào đối tượng kiểm dịch thực vật.
Nghiên cứu này góp phần bổ sung tính đa dạng loài về hình thái và phân tử, phân bố và cây chủ mới của loài M. enterolobii. Đặc biệt, nghiên cứu góp phần cung cấp thông tin chính xác để cảnh báo sự lan truyền của dịch hại do loài M. enterolobii trong công tác bảo vệ thực vật để đưa ra các biện pháp phòng chống, ngăn chặn kịp thời đối với phát triển nông nghiệp ở Việt Nam.
Nhật Phong