Ngày 25.4, Cục Thống kê tổ chức hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024.
Báo cáo này do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ hiệu quả của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu.
Báo cáo cho thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh, trong đó tỷ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày tính từ lúc sinh) tăng đều qua từng năm và đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng đăng ký khai sinh muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số, lên tới 56%.
Tương tự như khai sinh, tỷ lệ khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày sau khi mất) chiếm tỷ trọng cao là 69,3% vào năm 2024, tình trạng khai tử muộn vẫn phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, có dân tộc lên tới gần 80%.
Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Tổng tỷ suất sinh đang giảm và thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm, vượt xa mức cân bằng là 104 - 106 bé trai/100 bé gái.
Cục Thống kê tổ chức hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó trưởng ban Thống kê dân số và dao động cho biết, trong giai đoạn 2021-2024, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta ở mức 109,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Riêng năm 2024, tỷ số này 110,7 trẻ trai/100 trẻ gái.
Trong đó, tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao diễn ra phổ biến ở một số tỉnh thành thuộc khu vực phía bắc, đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ... Thậm chí, có địa phương ghi nhận tỷ số giới tính khi sinh ở mức gần 120 trẻ trai/100 trẻ gái.
Đối với các tỉnh, thành khu vực phía nam, tỷ số giới tính khi sinh ở mức từ 105 - 108 trẻ trai/100 trẻ gái.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) nhấn mạnh việc công bố báo cáo quốc gia đầu tiên này là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, minh bạch và lấy con người làm trung tâm của Việt Nam.
Báo cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn để phân tích thực trạng đăng ký các sự kiện hộ tịch quan trọng này cùng các chỉ tiêu dân số liên quan.
Bà Hương khẳng định báo cáo đã phản ánh khách quan những tiến bộ đạt được trong giai đoạn vừa qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và thách thức.
Theo bà Hương, báo cáo tuân thủ nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, hướng tới đảm bảo mọi cá nhân, kể cả những nhóm dễ bị tổn thương, đều được ghi nhận sự kiện hộ tịch một cách đầy đủ, kịp thời và bình đẳng.
“Đây sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và người dùng tin trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu hộ tịch”, Cục trưởng Cục Thống kê khẳng định.
Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, ông Matt Jackson, chia sẻ rằng dữ liệu chính xác giúp đánh giá hiệu quả chính sách, xác định nhóm đối tượng còn bị bỏ sót, và từ đó xây dựng một hệ thống dữ liệu bao trùm cho tất cả mọi người. UNFPA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo mọi cá nhân đều được ghi nhận và mọi cuộc đời đều có ý nghĩa.
Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó cục trưởng Cục Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc không chỉ là nơi lưu trữ thông tin mà còn là thành phần hạ tầng cốt lõi, đóng vai trò nền tảng cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số.
Theo đó, cơ sở dữ liệu này cung cấp thông tin đầu vào chính xác, kịp thời về các sự kiện hộ tịch cơ bản của công dân, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và quyền cơ bản của công dân.
Ngoài ra, báo cáo khuyến nghị trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ, tăng cường tập huấn cho cán bộ cơ sở, đẩy mạnh tiếp cận tới các nhóm yếu thế và tích hợp sâu hơn cơ sở dữ liệu hộ tịch với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, y tế, giáo dục để phát huy tối đa lợi ích.
Lam Thanh