Hành tinh ngoài hệ Mặt Trời WASP-127b. (Ảnh: phys.org)
Các nhà thiên văn học vừa phát hiện những cơn gió siêu thanh đạt tốc độ lên tới 33.000 km/giờ trên hành tinh ngoài hệ Mặt Trời WASP-127b, vượt xa tốc độ gió cao nhất từng ghi nhận trong hệ Mặt Trời, thậm chí trên sao Hải Vương (2.000 km/giờ).
Hành tinh WASP-127b, cách Trái Đất khoảng 520 năm ánh sáng, thuộc dải Ngân Hà, là một dạng hành tinh khí khổng lồ quay rất gần ngôi sao chủ của nó.
Hành tinh này có đường kính lớn hơn Sao Mộc 30%, nhưng khối lượng chỉ bằng 16% sao Mộc, khiến nó trở thành một trong những hành tinh có mật độ thấp nhất từng được quan sát.
Theo nghiên cứu do nhà vật lý thiên văn Lisa Nortmann tại Đại học Göttingen (Đức) dẫn đầu và công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, cơn gió với vận tốc 33.000 km/giờ di chuyển dọc theo đường xích đạo của hành tinh WASP-127b được mô tả là nhanh nhất từng phát hiện trên bất kỳ hành tinh nào.
WASP-127b không có bề mặt rắn mà chỉ bao gồm các lớp khí ngày càng đặc và chịu áp suất lớn hơn khi tiến sâu vào bên trong. Hành tinh này hoàn thành một vòng quay quanh ngôi sao của nó chỉ trong 4 ngày, với khoảng cách chỉ bằng 5% khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
Do quỹ đạo gần như vậy, WASP-127b phải chịu nhiệt độ lên tới 1.127 độ C, khiến một mặt luôn hướng về ngôi sao chủ bị thiêu đốt, trong khi mặt còn lại chìm trong bóng tối.
Thành phần khí quyển của WASP-127b chủ yếu là hydro và heli, cùng với dấu vết của các phân tử phức tạp như carbon monoxide và nước, được xác định qua nghiên cứu lần này.
Cơn gió siêu thanh nói trên được cho là do sự bức xạ mạnh mẽ từ ngôi sao chủ, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn trong khí quyển.
Theo nhà vật lý thiên văn David Cont thuộc Đại học Ludwig Maximilian ở Munich (Đức), bức xạ này là nguồn năng lượng chính cho các hiện tượng động lực khí quyển, nhưng các yếu tố khác như cấu trúc và sự tương tác trong khí quyển cũng đóng vai trò quan trọng.
Để đo tốc độ của các phân tử trong khí quyển, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị CRIRES+ trên Kính thiên văn rất lớn (Very Large Telescope) tại Chile. Bằng phương pháp "transit" - quan sát sự thay đổi độ sáng của ngôi sao khi hành tinh đi qua phía trước, họ đã thu thập dữ liệu chi tiết về khí quyển WASP-127b.
Phát hiện này đánh dấu bước tiến lớn trong nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, khi các nhà khoa học giờ đây không chỉ ước lượng các thông số trung bình như nhiệt độ và thành phần hóa học mà còn khám phá các đặc điểm ba chiều của khí quyển, bao gồm gió, sự biến đổi nhiệt độ và các quá trình hóa học./.
(TTXVN/Vietnam+)