Phát hiện hành tinh lùn mới ẩn mình ở rìa hệ mặt trời, quay quanh mặt trời mỗi 25.000 năm

Phát hiện hành tinh lùn mới ẩn mình ở rìa hệ mặt trời, quay quanh mặt trời mỗi 25.000 năm
5 giờ trướcBài gốc
Một hình ảnh tổng hợp so sánh kích thước tương đối của các hành tinh lùn đã biết trong hệ mặt trời của chúng ta, bao gồm cả hành tinh OF201 mới được phát hiện năm 2017
2017 OF201 là một thiên thể gần như hình cầu, có đường kính khoảng 700 km (tương đương 435 dặm), được phát hiện trong quá trình phân tích dữ liệu lưu trữ từ kính viễn vọng Blanco ở Chile và kính viễn vọng Canada-Pháp-Hawaii đặt tại Hawaii. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi chuyển động của thiên thể này thông qua 19 bộ ảnh thu được trong vòng bảy năm. Phát hiện đã được xác nhận bởi Trung tâm Hành tinh Nhỏ thuộc Liên minh Thiên văn Quốc tế, mặc dù chưa trải qua quy trình bình duyệt chính thức, và đã được đăng tải trên máy chủ arXiv.
Theo các nhà khoa học, 2017 OF201 có quỹ đạo rất dài và thuôn, với điểm gần mặt trời nhất cách khoảng 45 đơn vị thiên văn (AU), tức gấp 45 lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trời. Đây cũng là khoảng cách tương đương với hành tinh lùn nổi tiếng khác là sao diêm vương. Dựa trên tính toán quỹ đạo, lần gần nhất thiên thể này bay qua mặt trời là vào năm 1930 - trùng với năm sao diêm vương được phát hiện. Hiện tại, nó đã ở cách Mặt trời gấp đôi khoảng cách này và tiếp tục rời xa vào không gian. Tại điểm xa nhất trên quỹ đạo, 2017 OF201 có thể cách xa tới 1.600 AU trước khi quay trở lại khu vực bên trong hệ mặt trời.
Quỹ đạo kỳ lạ của 2017 OF201 cho thấy nó chịu ảnh hưởng của những tương tác hấp dẫn phức tạp, không chỉ với sao hải vương mà còn với lực hấp dẫn của toàn bộ ngân hà. Đồng tác giả nghiên cứu, ông Sihao Cheng, nhà vật lý thiên văn tại Viện Nghiên cứu Nâng cao Princeton (New Jersey), cho biết: “Có khả năng thiên thể này ban đầu bị đẩy ra vùng đám mây Oort - khu vực xa nhất trong hệ mặt trời, nơi chứa nhiều sao chổi - sau đó lại bị kéo trở lại.”
Vì chỉ dành khoảng 1% chu kỳ quỹ đạo ở khoảng cách đủ gần để được phát hiện từ trái đất, sự xuất hiện của 2017 OF201 cho thấy vẫn còn rất nhiều hành tinh lùn tương tự chưa được quan sát. “Sự tồn tại của một vật thể đơn lẻ như vậy cho thấy có thể có tới hàng trăm vật thể khác với quỹ đạo và kích thước tương tự, nhưng hiện vẫn nằm ngoài khả năng quan sát của chúng ta,” Cheng nói thêm.
Phát hiện này cũng đặt ra những câu hỏi mới xoay quanh giả thuyết về Hành tinh 9 - một hành tinh lớn chưa được xác nhận, được cho là đang quay quanh mặt trời ở khoảng cách rất xa, vượt ngoài sao hải vương hàng tỷ dặm. Một số nhà khoa học cho rằng Hành tinh 9 có thể là nguyên nhân gây ra sự tập trung bất thường trong quỹ đạo của một số thiên thể ngoài sao hải vương. Tuy nhiên, 2017 OF201 lại không phù hợp hoàn toàn với các mô hình đó. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng nếu Hành tinh 9 thực sự tồn tại, lực hấp dẫn của nó có thể đã đẩy 2017 OF201 ra khỏi hệ mặt trời từ lâu.
“Dù những bước tiến trong công nghệ kính thiên văn đã giúp chúng ta nhìn xa hơn vào vũ trụ, vẫn còn vô vàn điều bí ẩn về chính hệ mặt trời của chúng ta mà chúng ta chưa khám phá hết,” Cheng kết luận.
Bảo Ngọc (t/h)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/phat-hien-hanh-tinh-lun-moi-an-minh-o-ria-he-mat-troi-quay-quanh-mat-troi-moi-25-000-nam/20250524023715641