Đây là bằng chứng lâu đời nhất về sự tồn tại của loài nòng nọc khổng lồ, vượt qua kỷ lục trước đó tới 20 triệu năm.
Hóa thạch được tìm thấy in dấu trên một phiến đá sa thạch. (Nguồn: Reuters)
Hóa thạch này bao gồm một phần hộp sọ và cột sống của con nòng nọc, được in dấu rõ nét trên phiến đá sa thạch, kèm theo dấu vết của mắt và hệ thần kinh.
"Đây không chỉ là hóa thạch nòng nọc cổ xưa nhất từng được phát hiện mà còn là mẫu vật được bảo quản tốt nhất", bà Mariana Chuliver, nhà sinh vật học tại Đại học Maimonides ở Buenos Aires, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.
Theo các nhà khoa học, loài ếch đã xuất hiện từ 217 triệu năm trước, nhưng quá trình tiến hóa từ giai đoạn trứng nòng nọc đến ếch trưởng thành vẫn còn là điều bí ẩn.
Phát hiện này cung cấp thêm manh mối về thời gian và cách thức loài ếch tiến hóa từ giai đoạn nòng nọc non.
Mẫu hóa thạch đặc biệt này dài khoảng 16 cm, là giai đoạn trẻ của một loài ếch khổng lồ đã tuyệt chủng.
Theo ông Ben Kligman, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian, người không tham gia nghiên cứu: "Phát hiện này giúp chúng ta thu hẹp khung thời gian tiến hóa để hiểu rõ hơn quá trình một loài lưỡng cư phát triển thành loài ếch thực sự".
Được công bố trên tạp chí Nature, nghiên cứu cho thấy hóa thạch này có những đặc điểm tương đồng với nòng nọc ngày nay, thậm chí vẫn giữ được cấu trúc mang – hệ thống giúp nòng nọc hiện đại lọc thức ăn từ nước.
Ông Kligman nhận xét rằng điều này chứng minh chiến lược sinh tồn của loài lưỡng cư đã được duy trì và phát triển qua hàng triệu năm, giúp chúng vượt qua nhiều cuộc tuyệt chủng hàng loạt.
Xuân Minh