Phát hiện loài kiến cổ xưa nhất trên Trái đất

Phát hiện loài kiến cổ xưa nhất trên Trái đất
7 giờ trướcBài gốc
Từ hóa thạch, các nhà sinh học đã dựng lại hình ảnh kiến địa ngục cổ xưa nhất trên Trái đất
Sinh vật nhỏ bé này, được hóa thạch trong một khối đá vôi ở Brazil, là mẫu kiến cổ nhất từng được xác định. Thậm chí còn thú vị hơn, nó thuộc một phân họ đã tuyệt chủng có tên Haidomyrmecinae, thường được gọi là "kiến địa ngục", nổi bật với hàm dạng lưỡi hái được cấu tạo để đâm và ghim chặt con mồi. Loài kiến này vừa được phát hiện và được đặt tên là Vulcanidris cratensis.
Một phát hiện lịch sử
Nhà côn trùng học Anderson Lepeco từ Bảo tàng Động vật học của Đại học Sao Paulo (Brazil) cho biết: “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã khám phá ra một loài kiến hóa thạch mới, đại diện cho hồ sơ địa chất rõ ràng nhất về kiến cổ đại”.
Ông nhấn mạnh sự độc đáo của phát hiện này: loài mới thuộc phân họ kiến địa ngục, nổi tiếng với các đặc điểm săn mồi kỳ lạ. Mặc dù thuộc dòng dõi cổ xưa, loài này đã sở hữu các đặc điểm giải phẫu chuyên biệt, cho thấy nó có hành vi săn mồi đặc biệt.
Hiện nay, kiến là một trong những nhóm động vật đa dạng và phổ biến nhất trên hành tinh, với hơn 13.800 loài đã được biết đến trong tổng số ước tính khoảng 22.000 loài. Nhưng không có loài kiến nào còn tồn tại ngày nay giống với dòng họ kiến địa ngục.
Sử dụng hình ảnh micro-CT, nhóm nghiên cứu đã phân tích hóa thạch để tái dựng các đặc điểm giải phẫu từ dấu ấn phẳng trong đá vôi Crato. Họ nhận thấy rằng Vulcanidris cratensis có mối quan hệ gần nhất với loài Aquilomyrmex huangi, một loài kiến địa ngục có niên đại 99 triệu năm, từng được tìm thấy trong hổ phách Myanmar.
Lepeco cho biết: “Mặc dù chúng tôi dự đoán sẽ tìm thấy các đặc điểm của kiến địa ngục, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ trước cấu trúc bộ máy tiêu hóa của loài này”.
Kiến địa ngục nổi bật với cấu trúc đầu khác thường, đôi khi có các gai được gia cố bằng kim loại, cùng với hàm hoạt động theo phương thẳng đứng thay vì ngang như các loài kiến hiện đại.
Trước đây, nhóm kiến này chủ yếu được biết đến thông qua các mẫu hóa thạch được bảo quản trong hổ phách từ châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ, có niên đại từ 80 đến 100 triệu năm trước. Tuy nhiên, Vulcanidris cratensis lại là một mẫu hóa thạch được bảo quản nguyên vẹn trong Lagerstatte Crato, một loại tầng hóa thạch nổi tiếng với việc giữ lại chi tiết mẫu vật cực kỳ tốt.
Đây là mẫu kiến địa ngục đầu tiên được tìm thấy trong hóa thạch đá thay vì hổ phách. Đây cũng là mẫu đầu tiên được phát hiện tại Nam Mỹ, cho thấy kiến địa ngục có thể đã tồn tại từ lâu hơn và phân bố rộng hơn nhiều so với hiểu biết trước đây.
Ý nghĩa đối với tiến hóa của kiến
Phát hiện này thách thức giả định về tốc độ phát triển của các đặc điểm thích nghi phức tạp ở kiến. Hình thái tinh vi của Vulcanidris cratensis cho thấy ngay từ thời kỳ đầu, những loài kiến này đã tiến hóa các chiến lược săn mồi phức tạp, khác biệt đáng kể so với những loài kiến hiện đại.
Các nhà khoa học cho rằng kiến xuất hiện lần đầu vào cuối kỷ Jura hoặc đầu kỷ Phấn trắng và kiến địa ngục có thể đại diện cho nhánh phân tách sớm nhất của chúng.
Việc phát hiện một loài kiến địa ngục ở một khu vực mới, với niên đại sớm hơn và hình thái được thiết lập đầy đủ, cung cấp một điểm tham chiếu quan trọng để nghiên cứu sự tiến hóa của nhóm côn trùng phong phú này.
Nhóm nghiên cứu kết luận trong bài báo của mình: “Loài mới được báo cáo là loài kiến cổ nhất từng được biết đến trong khoa học, đồng thời là bằng chứng hoàn chỉnh nhất về sự tiến hóa sớm của kiến trong hồ sơ hóa thạch”.
Các nhà khoa học cũng nhận định rằng kiến địa ngục có thể đã tồn tại lâu dài trong thời kỳ thực vật hạt kín lan rộng vào kỷ Phấn trắng, trước khi bị ảnh hưởng mạnh bởi các sự kiện địa chất ở cuối kỷ này.
Anh Tú
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/phat-hien-loai-kien-co-xua-nhat-tren-trai-dat-231928.html