Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hệ Gen (VAST) và Bảo tàng Đại học Kyoto (Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã phát hiện loài Chuột chũi vòi mới ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai).
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Hội Hỗ trợ phát triển khoa học Nhật Bản (JSPS), các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hệ Gen (VAST) và Bảo tàng Đại học Kyoto (Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã phát hiện loài Chuột chũi vòi mới cho khoa học ở Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Loài này được phát hiện trong một chuyến khảo sát thực địa trên sườn núi Fansipan, nằm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên ở độ cao gần 3.000 mét, được các nhà nghiên cứu đã đặt tên khoa học là Uropsilus fansipanensis.
Lần đầu phát hiện
Đây là lần đầu tiên sự xuất hiện của loài sinh vật này được ghi nhận tại Việt Nam. Qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng và phân tích di truyền, các chuyên gia xác định đây là một loài chưa từng được biết đến trước đó.
Phát hiện này nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Hội Hỗ trợ phát triển khoa học Nhật Bản (JSPS). Các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Hệ gen (VAST) và Bảo tàng Đại học Kyoto (thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã cùng nhau phát hiện loài chuột chũi vòi mới này tại khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Chuột chù Phan Xi Păng - loài vật quý hiếm lần đầu phát hiện tại Việt Nam. Ảnh: WWF
Theo thông tin từ Vườn quốc gia Hoàng Liên, hai mẫu vật được thu thập gần đỉnh Fansipan ở độ cao khoảng 2.900 mét đã được giải trình tự gen các đoạn RAG1, RAG2 (nhân) và Cytb (ty thể), với tổng độ dài 2.901 bp. Khi đối chiếu kết quả với 107 trình tự gen có sẵn trên Genbank, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự phân tách di truyền rõ rệt giữa quần thể chuột chũi vòi Uropsilus ở Việt Nam với các quần thể sống tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, so sánh trình tự gen Cytb cho thấy quần thể mới phát hiện tại Fansipan có sự khác biệt di truyền từ 8,63% đến 20,70% so với tám loài cùng chi đã được công bố ở Trung Quốc.
Ngoài phân tích di truyền, nhóm nghiên cứu còn tiến hành so sánh đặc điểm hình thái cơ thể và cấu trúc hộp sọ của mẫu vật với các mẫu chuẩn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh), nhằm khẳng định sự khác biệt của loài mới này.
Kết hợp các phân tích trên, nhóm tác giả đã công bố loài Chuột chù / chuột chũi vòi Fansipan (Uropsilus fansipanensis) mới cho khoa học. Việc phát hiện loài và giống mới này không chỉ bổ sung thêm vào danh sách hệ động vật có vú tại Việt Nam, mà còn nhấn mạnh mối liên hệ sinh học mật thiết giữa các khu vực lân cận, giúp ích cho quá trình nghiên cứu và phát hiện trong tương lai.
Sở hữu vẻ ngoài đầy khác biệt
Phân họ chuột chù chỉ bao gồm một chi duy nhất mang tên Uropsilus, và chuột chù Fansipan là loài thứ chín được xác định trong nhóm này.
Loài chuột chũi vòi mới này có những đặc điểm nổi bật như: mũi dài phát triển thành vòi. Đặc biệt, chúng sở hữu 38 chiếc răng, trong đó, răng tiền hàm dưới số 1 và số 3 có kích thước tương đương nhau.
Hình thái ngoài, hình thái sọ, sinh cảnh và điểm phân bố của Chuột chũi vòi phan-xi-pan Uropsilus fansipanensis. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam.
Loài vật nhỏ bé này có chiều dài cơ thể khoảng 14 cm, đuôi dài khoảng 6 cm và trọng lượng chỉ vỏn vẹn 8 gram. Bộ lông của chúng có màu nâu đỏ ở phần lưng, trong khi phần bụng và các vùng còn lại mang sắc xám; đuôi có màu xám đậm, phủ những lớp vảy nhỏ kèm theo một số sợi lông ngắn.
Dù hình dáng bề ngoài có nét tương đồng với các loài họ hàng khác, chuột chù Fansipan lại sở hữu những khác biệt rõ rệt về cấu trúc bộ xương và đặc điểm di truyền. Chính những điểm khác biệt này đã xác lập địa vị của chúng như một loài riêng biệt.
Tương tự như hiện tượng tại các quần đảo, những ngọn núi cao cũng có thể tạo thành các "hòn đảo trên không" – nơi các quần thể sinh vật bị cô lập, dẫn tới sự hình thành các loài đặc hữu thông qua quá trình tiến hóa.
Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận sự hiện diện của giống chuột chũi vòi Uropsilus tại Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phân bố của nhóm động vật này về phía nam — từ Trung Quốc và Myanmar xuống tới dãy Hoàng Liên Sơn.
Trước đó, trong một chương trình nghiên cứu về sự đa dạng côn trùng, đoàn công tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng đã tiến hành khảo sát, thu thập mẫu vật tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Với độ cao đứng đầu Đông Dương, đỉnh Fansipan tạo nên sự biệt lập địa lý lý tưởng, khiến loài chuột chù nơi đây phát triển tách biệt hoàn toàn so với các nhóm họ hàng khác.
Mời độc giả xem thêm video "Phát hiện những loài chuột siêu kỳ dị chỉ có ở châu Phi"
Tuệ Minh
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-loai-vat-quy-hiem-lan-dau-xuat-hien-tai-fansipan-2100109.html