Các hãng thông tấn quốc tế gần đây đưa tin về một bước tiến mới trong lĩnh vực virus học: phát hiện loại virus khổng lồ đầu tiên ở Phần Lan – một sinh vật có kích thước lớn gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần so với những loại virus thông thường. Dù tên gọi có phần đáng sợ, song loại virus này không nhất thiết gây nguy hiểm hơn các chủng virus có kích thước nhỏ.
Trong khi phần lớn các virus chỉ có đường kính vài chục nanomet (nm), thì "virus khổng lồ" có thể đạt tới kích thước hàng trăm nanomet. Trường hợp mới nhất được phát hiện tại miền trung Phần Lan đã bổ sung một mảnh ghép quan trọng vào bức tranh tổng thể về sự đa dạng của virus trong môi trường tự nhiên.
Các nhà khoa học tại Đại học Jyväskylä vừa công bố phát hiện ra một loại virus khổng lồ mới có tên Jyväskylavirus, được đặt theo tên thành phố nơi nó được tìm thấy. Virus này có đường kính khoảng 200 nanomet — tức lớn gấp đôi virus cúm mùa hay coronavirus. Mặc dù chưa phải là virus lớn nhất từng được ghi nhận (Pandoravirus salinas vẫn giữ kỷ lục với kích thước khoảng 500 nm), Jyväskylavirus vẫn là một phát hiện đáng chú ý bởi nó là loại đầu tiên được xác định tại Phần Lan.
Phát hiện này được mô tả chi tiết trong công bố trên tạp chí khoa học eLife. Theo nhóm nghiên cứu, họ đã thu thập các mẫu môi trường và trộn với các tế bào amip Acanthamoeba castellanii để phân lập virus. Chính từ phương pháp này, Jyväskylavirus đã lộ diện dưới kính hiển vi.
Giáo sư Lotta-Rina Sundberg, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Khám phá này mở ra nhiều cơ hội mới để hiểu sâu hơn về sự phong phú và phức tạp của thế giới virus ở các vùng khí hậu lạnh phía bắc. Nó cho thấy chúng ta vẫn còn rất nhiều điều chưa khám phá về cấu trúc và chức năng của các loại virus khổng lồ".
Điểm thú vị nhất của Jyväskylavirus chính là địa điểm phát hiện. Trước đây, các virus khổng lồ chủ yếu được tìm thấy ở khu vực châu Âu và Nam Mỹ. Việc xuất hiện một đại diện mới tại vùng đất lạnh giá phương Bắc khiến các nhà khoa học đặt nghi vấn: liệu virus khổng lồ có thể phổ biến hơn nhiều so với nhận định trước đây?
Một điểm nổi bật nữa của virus khổng lồ là bộ gen đồ sộ. Trong khi các virus thông thường chỉ có từ 7.000 đến 20.000 cặp bazơ DNA, thì một số virus khổng lồ có thể chứa tới 2,5 triệu cặp bazơ — mở ra nhiều khả năng về chức năng di truyền phức tạp hơn.
Dù chưa có bằng chứng cho thấy Jyväskylavirus gây bệnh cho con người, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu vòng đời và khả năng lây lan của nhóm virus khổng lồ này. Một số nghiên cứu gần đây ở Bắc Cực từng chỉ ra rằng vài loại virus khổng lồ có thể lây nhiễm vào tảo, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tan băng — một vấn đề môi trường đáng lo ngại.
Giáo sư Sundberg khẳng định, Jyväskylavirus chắc chắn không phải là trường hợp đơn lẻ. “Chúng tôi đã phát hiện thêm nhiều mẫu virus khổng lồ khác trong môi trường. Điều này cho thấy còn rất nhiều loài chưa được biết đến đang chờ được khám phá”, bà cho biết trong một tuyên bố vào ngày 16 tháng 4.
Với sự phát hiện này, giới khoa học hy vọng rằng việc nghiên cứu sâu hơn về các virus khổng lồ sẽ giúp mở rộng hiểu biết về hệ sinh thái vi sinh vật, cũng như vai trò tiềm ẩn của chúng đối với môi trường sống của chúng ta.
Minh Quân