Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC
Theo đó, bà N.T.L (48 tuổi quê Thái Bình) đã trải qua hơn một năm điều trị tại nhiều cơ sở y tế khác nhau với các triệu chứng đau bụng, sốt cao và rối loạn tiết niệu.
Ban đầu, bà L được chẩn đoán ứ nước bể thận và theo dõi áp xe niệu quản. Trong suốt quá trình này, bệnh nhân đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, bao gồm mổ nội soi bóc áp xe, đặt ống JJ niệu quản trái và mổ mở tạo hình niệu quản khi xảy ra biến chứng thủng niệu quản.
Tưởng chừng tình trạng đã ổn định sau ca phẫu thuật vào tháng 9/2024, bệnh nhân bất ngờ tái phát với triệu chứng bí tiểu và sốt cao liên tục từ 40-41°C dù đã được điều trị tích cực bằng kháng sinh. Không đáp ứng với liệu pháp điều trị thông thường, bà L được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt kéo dài, đau tăng dần vùng bụng dưới, nhiễm trùng tiết niệu nặng kèm nhiễm khuẩn huyết.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện cho thấy đài bể thận và niệu quản trái giãn với đường kính khoảng 12mm. Vùng tiểu khung lệch trái sát thành bàng quang xuất hiện ổ tổn thương hỗn hợp âm kích thước 49x36mm. Phim CT bụng phát hiện vùng hố chậu trái có khối tăng tỷ trọng kích thước khoảng 51x60mm, xung quanh có dịch.
Bác sĩ Trần Thượng Việt - Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu và Nam học chia sẻ: "Bệnh nhân đã từng trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng bệnh vẫn tái diễn. Khi thăm khám, chúng tôi phát hiện khối u khá lớn ở cạnh tử cung trái, hướng tới bệnh lý ác tính dù các kết quả xét nghiệm của các bệnh viện tuyến trước đều trả lời kết quả viêm áp xe, nên chúng tôi quyết định mổ quyết tâm lấy toàn bộ khối u làm giải phẫu bệnh, không để chậm trễ thêm".
Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện có tới hai khối u trong cơ thể bệnh nhân. Một khối nằm ở buồng trứng trái có kích thước khoảng 3cm, khối còn lại nằm sau tử cung và đã xâm lấn vào thành bàng quang với kích thước khoảng 4cm. Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ hoàn toàn cả hai khối u cùng phần tử cung. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, vết mổ khô, hồi phục tốt và được chỉ định tiếp tục hóa trị.
Điều đặc biệt chỉ được làm rõ sau khi mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh. Phải trải qua ba lần phân tích và nhiều cuộc hội chẩn với các giáo sư đầu ngành, thậm chí cần đến hội chẩn quốc tế, kết quả cuối cùng xác định bệnh nhân mắc phải Sarcoma mô bào (Histiocytic Sarcoma – HS) – một thể ung thư vô cùng hiếm gặp.
Bác sĩ Vũ Xuân Ngọc, Phụ trách khoa Giải phẫu bệnh học giải thích: "Sarcoma mô bào là một rối loạn histiocytis cực kì hiếm gặp. HS có liên quan tới các bệnh lý ác tính về máu và có thể kèm theo các bệnh lý về u tế bào mầm. Tỷ lệ mắc bệnh này chỉ khoảng 0,17 ca trên 1 triệu người. Đây là một bệnh lý hiếm gặp và có đặc điểm hình thái và miễn dịch khó phân biệt với các tổn thương u và viêm khác nên chẩn đoán gặp khá nhiều khó khăn".
Theo bác sĩ Vũ Xuân Ngọc, việc chẩn đoán xác định HS cần phải tỉ mỉ, chi tiết để loại trừ các tổn thương như lymphoma, ung thư biểu mô kém biệt hóa, u hắc tố, u mô bào X hay một số sarcoma khác. Đây là một bệnh lý phức tạp, có đặc điểm lâm sàng đa dạng, tiến triển mang đặc điểm ác tính, và có thể biểu hiện ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể.
Minh Nhật