Khi con đầu lòng được 1 tuổi, chị Khánh Linh (Nghệ An) mang bầu lần 2. Trong một lần đi khám thai ở tháng thứ 5, thai phụ 18 tuổi được bác sĩ thông báo có 2 khối u buồng trứng, nghi ung thư, chuyển ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám chuyên sâu.
Vượt 300km ra Hà Nội với tâm thế còn trẻ, còn khỏe, lại không có dấu hiệu gì đặc biệt, không đau đớn, chị Linh chưa từng nghĩ bản thân lại mắc ung thư buồng trứng.
TS.BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Phụ ung thư, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đánh giá đây là trường hợp hi hữu, đặc biệt.
Ba ngày sau khi nhập viện, chị được bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ khối u. Kết quả sinh thiết chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn 1C (ung thư tiến triển 2 bên buồng trứng, không phải tiến triển ở giai đoạn rất sớm nhưng cũng chưa muộn).
Phác đồ hóa trị được đưa ra với yêu cầu "kép": vừa phải điều trị ung thư có hiệu quả nhất, vừa phải đảm bảo an toàn tính mạng cho mẹ và thai nhi.
Nhận kết quả chẩn đoán chính xác bệnh, chị Linh bàng hoàng, suy sụp, từng nghĩ đến điều tiêu cực. Bước tiếp hay ra sao? Hóa trị có ảnh hưởng đến đứa con chị đang mang trong bụng? Nỗi sợ hãi, lo lắng bủa vây thai phụ rất trẻ tuổi.
Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã tiếp thêm sức mạnh để chị quyết tâm chiến đấu vì con, đặt niềm tin vào thầy thuốc và hi vọng vào điều tốt đẹp nhất.
Bước vào quá trình hóa trị, dù đã xác định tâm lý cơ thể sẽ chịu tác động của thuốc, nhưng khi bản thân nhìn từng lọn tóc rơi rụng, chị Linh không khỏi bất ngờ, lo sợ, chỉ biết khóc.
“Mình còn con nữa, phải chấp nhận, bệnh còn chữa được là còn niềm tin. Nếu không điều trị chắc chắn ảnh hưởng đến con, mọi chuyện sau này sẽ tính tiếp”, chị Linh tự nhủ.
May mắn, quá trình điều trị hóa chất cho kết quả khả quan, tiến triển bệnh ung thư tốt, thai nhi phát triển bình thường. Đến 38 tuần thai, bác sĩ quyết định mổ lấy thai, đón thành công bé trai 3,2kg chào đời khỏe mạnh.
"Trong quá trình mổ lấy thai, chúng tôi đánh giá tình trạng ung thư của bệnh nhân đáp ứng tốt với hóa chất, không còn tổn thương ung thư trong buồng trứng, ổ bụng. Sau khi sinh con, chị Linh tiếp tục liệu trình hóa trị thêm 3 chu kỳ", bác sĩ Thắng cho biết.
Bác sĩ Thắng khám, động viên chị Linh sau khi sinh con tiếp tục liệu trình hóa trị thêm 3 chu kỳ. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Thắng cho biết khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, nhiều người chủ quan, chỉ nghĩ đó là thay đổi khi mang thai do đó việc phát hiện dấu hiệu ung thư sớm thường gặp nhiều khó khăn.
Ung thư buồng trứng là một trong 3 bệnh ung thư phụ khoa phổ biến ở Việt Nam, chỉ đứng sau ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
Bảy dấu hiệu ung thư buồng trứng thường bị coi nhẹ nhưng cần đi khám:
- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe, đặc biệt thai phụ cần theo dõi thai định kỳ để phát hiện sớm bất thường. Tùy từng giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. Nhờ những tiến bộ trong y học, việc điều trị ung thư trong thai kỳ được đánh giá là khả thi.
Võ Thu