"Biển sữa" là hiện tượng đại dương khiến một vùng rộng lớn của đại dương phát sáng. Các nhà khoa học đang dự đoán thời điểm các sự kiện này xảy ra với hy vọng hiểu rõ hơn về màn trình diễn phát quang sinh học. Ảnh: Steven Miller
"Vùng biển ở mọi hướng đều phát sáng. Khi Mặt Trăng vừa lặn, toàn bộ vùng biển sẽ sáng rực chiếu lên bầu trời", J. Brunskill, một sĩ quan trên con tàu có tên SS Ixion ngang qua Biển Ả Rập vào năm 1967 đã viết như vậy.
Và khoảng 10 năm sau, một thủy thủ đoàn khác trên con tàu có tên MV Westmorland cũng trải qua một sự kiện tương tự ở Biển Ả Rập khi đi ngang qua "khu vực phát quang sinh học rộng lớn". Những sự kiện này, được các thủy thủ gọi là “biển sữa”, vốn nổi tiếng là rất khó nghiên cứu do chúng hiếm khi xảy ra ở đại dương.
Ngày nay, các nhà khoa học hy vọng có thể nghiên cứu kỹ hơn về sự kiện kỳ lạ này. Họ cũng dự đoán thời điểm và địa điểm xảy ra những màn trình diễn phát quang sinh học bí ẩn này.
Ông Justin Hudson, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa khoa học khí quyển của Đại học bang Colorado cho biết, bản thân đã nhiều lần nhìn thấy “biển sữa”. Ông đã xây dựng cơ sở dữ liệu mới giúp các nhà khoa học một ngày nào đó có thể đưa tàu nghiên cứu đến khám phá.
"Tôi hy vọng với cơ sở dữ liệu này, nhiều người sẽ có thể bắt đầu nghiên cứu về biển sữa và giải mã bí ẩn đã tồn tại trong nhiều thế kỷ qua ", ông Hudson, tác giả chính của nghiên cứu mới, nói.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ liên quan, các tác giả đã lưu ý một số xu hướng liên quan đến các sự kiện biển bí ẩn.
"Biển sữa chủ yếu xuất hiện ở Biển Ả Rập và vùng biển Đông Nam Á. Hiện tượng này có thể bị ảnh hưởng bởi một số sự kiện khí hậu toàn cầu, chẳng hạn như Lưỡng cực Ấn Độ Dương và hiện tượng El Ninõ", ông Hudson cho biết.
Các khu vực mà "biển sữa" xuất hiện là những địa điểm có nhiều hoạt động sinh học diễn ra. Vì vậy, điều thực sự khiến cho những khu vực này đặc biệt hiện vẫn là một câu hỏi lớn, chưa có lời giải đáp.
Vai trò của "biển sữa" trong hệ sinh thái
Theo các nhà nghiên cứu, "biển sữa" khác với các sự kiện đại dương phát quang sinh học phổ biến do một loại thực vật phù du, được biết đến là tảo giáp gây ra. Loại sinh vật này thường phát ra ánh sáng xanh khi bị quấy rầy, chẳng hạn như khi cá bơi qua hoặc sóng đánh vào bờ, trái ngược với ánh sáng ổn định phát ra trong sự kiện "biển sữa".
“Trong khi thực vật phù du phát sáng theo cơ chế phòng vệ, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng vi khuẩn biển sữa phát sáng để thu hút cá. Sau đó, cá sẽ ăn vi khuẩn và cho phép vi khuẩn phát triển mạnh trong ruột của sinh vật”, ông Miller, Giám đốc của Viện nghiên cứu hợp tác về khí quyển (CIRA) tại Đại học bang Colorado cho biết.
Giống như nhiều nhà khoa học khác đã nghiên cứu về phát quang sinh học, ông Miller hy vọng một ngày nào đó sẽ được tận mắt chứng kiến sự kiện bí ẩn này. Tiến sĩ Edith Widder, một nhà hải dương học và nhà sinh vật học biển không tham gia vào nghiên cứu này, cũng có cùng mục tiêu đó.
“Tôi đã dành cả sự nghiệp để quan sát và đo lường hiện tượng phát quang sinh học trong đại dương. Tôi đã chứng kiến một số màn trình diễn ánh sáng tuyệt đẹp nhưng chưa bao giờ nhìn thấy biển sữa. Tôi thực sự muốn chứng kiến. Bằng cách tập hợp cơ sở dữ liệu này, các tác giả đã dự đoán vị trí và thời điểm biển sữa có thể xảy ra”, bà Widder nhấn mạnh.
Bà Widder đã đặt ra các câu hỏi: Hiện tượng phát quang sinh học có tác động như thế nào đến các sinh vật khác trong đại dương, đặc biệt là đối với các sinh vật ẩn náu trong vùng nước sâu tối tăm vào ban ngày và chỉ ngoi lên để kiếm ăn trong bóng tối?
“Ánh sáng là yếu tố quyết định quan trọng đến sự phân bổ và hành vi của động vật trong đại dương. Điều gì sẽ xảy ra với trò chơi trốn tìm hàng ngày khi những loài động vật cần ẩn náu được chiếu sáng bởi tất cả hiện tượng phát quang sinh học rực rỡ đó? Đây là một thí nghiệm tự nhiên có khả năng tiết lộ rất nhiều điều kỳ diệu về sự sống trong đại dương”, bà nhấn mạnh.
HỒNG NHUNG