Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định đầu tư dự án khi quy hoạch các tỉnh chưa được phê duyệt
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2018-2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện đầu tư 02 dự án và 48 tiểu dự án, dự án thành phần với TMĐT 3.975.419 triệu đồng.
Trong đó, có các dự án nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ gồm dự án Nâng cấp đê, kè hữu Hồng đoạn từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980, thành phố Hà Nội (Quyết định số 3107/QĐ-BNN-PCTT ngày 03/8/2018) và dự án Xây dựng tuyến đê biển Bình Minh 4, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 1 (Quyết định số 593/QĐ-BNN-PCTT ngày 12/02/2018), với TMĐT là 710.000 triệu đồng.
Qua kiểm tra thấy, Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư dự án, bố trí vốn đầu tư xây dựng 02 dự án nêu trên căn cứ vào Quy hoạch 257 và các quy hoạch liên quan của địa phương, tuy nhiên Quy hoạch đê điều của tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội chưa được phê duyệt và quy hoạch đê điều trong Quy hoạch 257 chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư, thiếu cơ sở để quản lý dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê điều tại các tỉnh theo Luật Đê điều.
Đối với các dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý. Từ năm 2018 đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án thành phần tu bổ đê điều trên địa bàn 08 tỉnh (Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa), đã phân bổ 242.000 triệu đồng từ Ngân sách Trung ương.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư 17 dự án thành phần căn cứ vào Quy hoạch 257 (riêng Dự án thuộc tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh) và thực trạng hư hỏng, xuống cấp của công trình đê điều, tuy nhiên quy hoạch đê điều tại 07 tỉnh nêu trên chưa được phê duyệt và quy hoạch đê điều trong Quy hoạch 257 chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư, thiếu cơ sở để quản lý dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê điều tại các tỉnh theo Luật Đê điều năm 2006.
Sai phạm trên cũng lặp lại trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt đầu tư 03 dự án tu bổ, nâng cấp đê điều, gồm 31 dự án thành phần tại 17 tỉnh, trong đó, có 05 tỉnh không thuộc Quy hoạch 257 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An, An Giang); TMĐT 31 dự án thành phần là 3.023.000 triệu đồng (Vốn ngân sách Trung ương là 2.900.000 triệu đồng, vốn địa phương là 123.000 triệu đồng).
Phát hiện nhiều sai phạm về các dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, kiên cố hóa đê điều (ảnh minh họa)
Nhiều địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đã phê duyệt đầu tư tổng số 928 dự án thành phần, từ các chương trình xây dựng, tu bổ, kiên cố hóa đê, với TMĐT là 62.348.000 triệu đồng, trong đó, có 63 dự án với TMĐT là 10.367.000 triệu đồng thuộc Chương trình nâng cấp đê sông, đê biển (Chương trình 923).
Kiểm tra một số nội dung Chương trình 923, Thanh tra Chính phủ thấy: Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa có quy định chế độ thông tin báo cáo (định kỳ, đột xuất), mặt khác quy hoạch đê điều chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư hoặc chưa có quy hoạch, nên không đủ cơ sở dữ liệu về đầu tư, tu bổ, nâng cấp đê điều để kiểm tra, đánh giá;
Giai đoạn 2018-2020, đã triển khai củng cố, nâng cấp được 498,0 km đê, 26,5 km kè, 3,0 km đường hành lang chân đê,... không đảm bảo mục tiêu “Củng cố, tu bổ khoảng 650 km đê biển và 550 km đê sông”;
Thêm vào đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa thực hiện đúng và đầy đủ các nhiệm vụ quy định tại Mục VI Quyết định số 923 của Thủ tướng Chính phủ, đó là: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc phân bổ nguồn lực, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án thuộc Chương trình; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và kiểm tra cho thấy, UBND các tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 60 dự án với TMĐT là 6.015.000 triệu đồng khi quy hoạch đê điều của tỉnh chưa được phê duyệt và Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017 cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đê điều năm 2006.
Hà Tĩnh là 07 dự án với TMĐT là 450.000 triệu đồng, Quảng Bình là 03 dự án với TMĐT là 96.000 triệu đồng, Hải Phòng là 02 dự án với TMĐT là 244.000 triệu đồng, Nam Định là 04 dự án với TMĐT là 390.000 triệu đồng, Ninh Bình là 01 dự án với TMĐT là 191.000 triệu đồng, Thanh Hóa là 05 dự án với TMĐT là 681.000 triệu đồng, Nghệ An là 10 dự án với TMĐT là 755.000 triệu đồng, Hà Tĩnh là 04 dự án với TMĐT là 375.000 triệu đồng, Quảng Trị là 01 dự án với TMĐT là 60.000 triệu đồng, Đà Nẵng là 02 dự án với TMĐT là 120.000 triệu đồng, Quảng Nam là 01 dự án với TMĐT là 8.000 triệu đồng, Quảng Ngãi là 02 dự án với TMĐT là 126.000 triệu đồng, Bình Định là 02 dự án với TMĐT là 41.000 triệu đồng, Khánh Hòa là 04 dự án với TMĐT là 379.000 triệu đồng, Tiền Giang là 03 dự án với TMĐT là 506.000 triệu đồng, Bến Tre là 02 dự án với TMĐT là 192.000 triệu đồng, Trà Vinh là 02 dự án với TMĐT là 391.000 triệu đồng, Sóc Trăng là 01 dự án với TMĐT là 95.000 triệu đồng, Bạc Liêu là 03 dự án với TMĐT là 104.000 triệu đồng. Cà Mau là 01 dự án với TMĐT là 811.000 triệu đồng
Thành Vinh