Trong khi phân tích tín hiệu vô tuyến phát ra từ vùng vũ trụ 10 tỉ năm trước, các nhà khoa học đã phát hiện ra một "mini-halo" đáng kinh ngạc xung quanh một cụm thiên hà xa xôi.
"Mini-halo" này là một quầng sáng nhỏ, nhưng mạnh đến bất thường, nên kính viễn vọng Trái Đất vẫn bắt được dù nó ở cách xa chúng ta hàng tỉ năm ánh sáng.
Quầng sáng nhỏ này là quầng sáng xa nhất từng được phát hiện, xa Trái Đất gấp đôi so với "á quân" trước đó.
Các hạt tích điện tạo một quầng sáng nhỏ màu đỏ, bao quanh một cụm thiên hà màu trắng - Ảnh: NASA
Tuy "mini" so với các dạng quầng sáng trong vũ trụ, nó cũng vô cùng khổng lồ, trải dài hơn 15 lần đường kính của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way.
"Mini-halo" dạng này là nhóm hạt tích điện mờ phát ra sóng vô tuyến và tia X trong chân không giữa các thiên hà, vì vậy mang từ trường mạnh.
Chúng đã được phát hiện xung quanh các cụm thiên hà trong vùng vũ trụ gần chúng ta, nhưng chưa bao giờ từ vùng vũ trụ xa và cổ xưa như những gì vừa được xác định.
Theo các nhà nghiên cứu, có hai lý thuyết có thể giải thích về sự tập hợp các hạt thành mini-halo.
Một là các lỗ đen siêu khối - loại lỗ đen trung tâm thiên hà - bắn các hạt năng lượng cao vào không gian. Nhưng không rõ các hạt sẽ di chuyển ra khỏi một lỗ đen mạnh mẽ và rơi vào một mini-halo như thế nào để không mất năng lượng đáng kể.
Kịch bản khả thi thứ 2 là sự va chạm của các hạt tích điện trong plasma bên trong một cụm thiên hà. Khi các hạt năng lượng cao này va vào nhau với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, chúng có thể vỡ ra thành các loại hạt có thể nhìn thấy từ Trái Đất.
Mini-halo mới đặc biệt ở chỗ ánh sáng của nó cũ đến mức làm thay đổi bức tranh về sự hình thành thiên hà, chứng minh rằng các hạt tích điện loại này đã bao quanh các thiên hà lâu hơn hàng tỉ năm so với những gì chúng ta biết.
"Phát hiện của chúng tôi ngụ ý rằng các cụm thiên hà đã bị chìm trong các hạt như vậy kể từ khi chúng hình thành" - nhà vật lý thiên văn Julie Hlavacek-Larrondo từ Đại học Montreál (Canada), người đồng dẫn đầu nghiên cứu mới về quầng sáng bí ẩn, nói với Live Science.
Anh Thư