2023 KQ14 là một loại thiên thể hiếm được gọi là 'sednoid', một thiên thể nhỏ, băng giá nằm ở rìa Hệ Mặt Trời. Cho đến nay, chỉ có 4 thiên thể tương tự được biết đến trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.
Thiên thể lạ mang tên Ammonite
Các nhà thiên văn đã phát hiện một thiên thể mới ở vùng rìa Hệ Mặt Trời. Nhóm nghiên cứu sử dụng Kính thiên văn Subaru đặt tại Hawaii đã quan sát thấy một vật thể nhỏ, xa xôi gọi là 2023 KQ14, còn được đặt biệt danh là Ammonite, ở rất xa ngoài Pluto (sao Diêm Vương).
2023 KQ14 thuộc loại hiếm được gọi là “sednoid”, tức một thiên thể băng nhỏ ở vùng ngoài Hệ Mặt Trời, tương tự như các tảng băng trong vành đai Kuiper hoặc các hành tinh lùn như Pluto.
Cho đến nay, chỉ có 4 vật thể như vậy được biết đến trong Hệ Mặt Trời. 2023 KQ14 nằm ở khoảng cách bằng 71 lần khoảng cách Trái Đất đến Mặt Trời.
Thiên thể này có quỹ đạo độc đáo, kéo dài và ổn định suốt khoảng 4,5 tỷ năm.
Các nhà khoa học phát hiện quỹ đạo của 2023 KQ14 từng giống với những sednoid khác trong Hệ Mặt Trời suốt hàng tỷ năm, nhưng đã thay đổi theo cách bí ẩn, cho thấy vùng ngoài Hệ Mặt Trời phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Phát hiện này cũng khiến khả năng tồn tại của Hành tinh số 9 trở nên ít thuyết phục hơn, vì quỹ đạo của 2023 KQ14 không khớp với vị trí mà các nhà khoa học cho rằng hành tinh đó sẽ hiện diện.
Ông Yukun Huang từ Đài thiên văn Quốc gia Nhật Bản cho biết: “Có khả năng một hành tinh từng tồn tại trong Hệ Mặt Trời nhưng đã bị đẩy ra ngoài, gây ra những quỹ đạo bất thường mà chúng ta thấy hôm nay.”
Nhà khoa học hành tinh Fumi Yoshida bổ sung rằng Ammonite được phát hiện ở một vùng không còn chịu ảnh hưởng trọng lực của Sao Hải Vương:
“Sự hiện diện của các vật thể có quỹ đạo kéo dài và điểm cận nhật lớn trong khu vực này cho thấy điều gì đó phi thường đã xảy ra trong thời cổ đại khi 2023 KQ14 hình thành.”
Các nhà khoa học gọi Ammonite là một “hóa thạch vũ trụ” từ thuở sơ khai của Hệ Mặt Trời.
Các nhà nghiên cứu sử dụng Kính viễn vọng Subaru, đặt tại Hawaii, đã phát hiện ra một vật thể nhỏ, xa xôi hơn nhiều so với Sao Diêm Vương và đặt tên cho nó là 2023 KQ14
Thách thức giả thuyết về Hành tinh số 9
Phát hiện này nằm trong dự án khảo sát Formation of the Outer Solar System: An Icy Legacy (FOSSIL), với mục tiêu tìm các vật thể như Ammonite, được xem như “hóa thạch băng” lưu giữ thông tin về sự hình thành và tiến hóa của vùng ngoài Hệ Mặt Trời.
Ông Yoshida nói: “Tôi sẽ rất vui nếu nhóm FOSSIL có thể thực hiện thêm nhiều phát hiện như thế này và giúp phác họa bức tranh đầy đủ về lịch sử Hệ Mặt Trời.”
Trước đó, các nhà thiên văn tập trung vào việc chứng minh sự tồn tại của Hành tinh số 9 (NASA gọi là Planet X), một hành tinh thứ 9 bí ẩn được cho là ẩn mình ở rìa Hệ Mặt Trời.
Một nghiên cứu gần đây đã thu hẹp danh sách từ 13 ứng viên xuống chỉ còn 1 vật thể tiềm năng, đang di chuyển quanh Mặt Trời ở khoảng cách khoảng 74,8 tỷ km đến 104,8 tỷ km.
Để dễ hình dung, hành tinh giả định này sẽ ở xa Mặt Trời gấp gần 20 lần so với Pluto.
Tuy nhiên, việc phát hiện Ammonite (2023 KQ14) khiến giả thuyết Hành tinh số 9 bị thách thức, vì quỹ đạo độc đáo của nó cho thấy Hành tinh số 9, nếu tồn tại, sẽ phải ở xa Mặt Trời hơn nhiều so với các dự đoán trước.
Nhóm nghiên cứu phát hiện Ammonite đưa ra giả thuyết rằng một hành tinh bí ẩn (có thể là Hành tinh số 9) đã bị văng khỏi quỹ đạo quanh Mặt Trời từ lâu.
Các nhà khoa học từng dùng giả thuyết Hành tinh số 9 để lý giải nhiều bí ẩn trong khu vực của chúng ta trong Ngân Hà.
Phía ngoài Sao Hải Vương (Neptune) là một vùng của hệ Mặt Trời được gọi là Vành đai Kuiper, nơi Sao Diêm Vương và các mảnh băng khác tọa lạc. Cả 4 sao lùn đỏ (sednoid) cũng nằm trong vùng này.
Trong phần phân tích về Hành tinh số 9, NASA cho biết: “Hành tinh này cũng có thể khiến Hệ Mặt Trời của chúng ta trông có vẻ bình thường hơn.”
“Các khảo sát về hành tinh xung quanh các sao khác trong Ngân Hà cho thấy loại phổ biến nhất là ‘siêu Trái Đất’ và các biến thể của chúng – lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn Sao Hải Vương,” NASA giải thích.
“Tuy nhiên, Hệ Mặt Trời của chúng ta lại không có loại này. Hành tinh số 9 có thể lấp đầy khoảng trống đó.”
Nếu các nhà thiên văn phát hiện được một hành tinh khổng lồ ở rìa Hệ Mặt Trời, điều này có thể giải thích vì sao các vật thể trong vành đai Kuiper bị nghiêng khoảng 20 độ so với mặt phẳng quỹ đạo các hành tinh khi quay quanh Mặt Trời.
Lực hấp dẫn của Hành tinh số 9 có thể đã kéo các vật thể này theo thời gian, khiến toàn bộ vành đai băng bị lệch so với quỹ đạo của các hành tinh.
Sự tồn tại của Hành tinh số 9 và lực hấp dẫn mạnh mẽ của nó cũng sẽ giải thích vì sao các sao chổi và các hành tinh lùn nhỏ như Pluto lại tụ tập và di chuyển cùng một hướng thay vì trôi dạt tự do.
Theo Daily Mail
Hải Yến