Phát hiện thế giới bí ẩn mới trong Hệ Mặt Trời

Phát hiện thế giới bí ẩn mới trong Hệ Mặt Trời
12 giờ trướcBài gốc
Sử dụng kính viễn vọng Subaru đặt tại Hawaii, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một vật thể nhỏ và xa xôi có tên 2023 KQ14, nằm rất xa so với sao Diêm Vương. Họ đặt biệt danh cho nó là Ammonite.
Quỹ đạo của 2023 KQ14 (màu đỏ) so với quỹ đạo của ba sednoid còn lại (màu trắng). 2023 KQ14 được phát hiện gần điểm cận nhật của nó ở khoảng cách 71 đơn vị thiên văn (gấp 71 lần khoảng cách trung bình giữa Mặt Trời và Trái Đất). Điểm màu vàng biểu thị vị trí hiện tại của nó. Ảnh: NAOJ
2023 KQ14 là một loại vật thể hiếm gọi là "sednoid" – một thiên thể băng giá nhỏ nằm ở vùng ngoài của Hệ Mặt Trời, tương tự như các khối đá băng trong Vành đai Kuiper hoặc các hành tinh lùn như sao Diêm Vương.
Tính đến nay, chỉ có bốn vật thể như vậy được biết đến trong Hệ Mặt Trời. 2023 KQ14 nằm cách Mặt Trời khoảng 71 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
Vật thể này di chuyển theo một quỹ đạo kéo dài và độc đáo, ổn định trong suốt khoảng 4,5 tỷ năm.
Các nhà khoa học nhận thấy quỹ đạo của 2023 KQ14 tương đồng với các sednoid khác trong hàng tỷ năm, nhưng gần đây lại có sự thay đổi bí ẩn – cho thấy vùng ngoài của Hệ Mặt Trời có thể phức tạp hơn nhiều so với các phát hiện trước đây.
Khám phá này cũng khiến giả thuyết về sự tồn tại của “Hành tinh Thứ Chín” (Planet Nine) trở nên ít có khả năng hơn, vì quỹ đạo của 2023 KQ14 không khớp với vị trí mà các nhà khoa học cho rằng hành tinh này ở đó.
Tiến sĩ Yukun Huang từ Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản cho biết: "Có khả năng một hành tinh từng tồn tại trong Hệ Mặt Trời nhưng sau đó đã bị đẩy văng ra ngoài, gây nên các quỹ đạo bất thường mà chúng ta thấy ngày nay."
Nhà khoa học hành tinh Fumi Yoshida cho biết Ammonite được phát hiện ở một khu vực rất xa, vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng trọng lực của sao Hải Vương.
“Sự hiện diện của các vật thể có quỹ đạo kéo dài và điểm cận nhật lớn trong khu vực này cho thấy đã có điều gì đó bất thường xảy ra từ thời kỳ cổ xưa, khi 2023 KQ14 được hình thành,” Yoshida giải thích trong một thông cáo.
Các nhà khoa học đang gọi Ammonite là một “hóa thạch vũ trụ”, lưu giữ các dấu vết từ thuở sơ khai của Hệ Mặt Trời.
Thách thức giả thuyết về Hành tinh Thứ Chín
Khám phá này là một phần trong dự án khảo sát có tên FOSSIL - viết tắt của Formation of the Outer Solar System: An Icy Legacy (Sự hình thành của vùng ngoài của hệ mặt trời: Di sản băng giá).
Tên dự án phản ánh mục tiêu tìm kiếm những vật thể như Ammonite, vốn được xem như các “hóa thạch băng giá”, lưu giữ thông tin về sự hình thành và tiến hóa của Hệ Mặt Trời ngoài xa.
Đây là hình minh họa góc nhìn từ xa của Hành tinh Thứ Chín về phía Mặt Trời. Hành tinh này được cho là ở thể khí, tương tự như Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Ảnh: Caltech/R. Hurt (IPAC)
“Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu nhóm FOSSIL có thể phát hiện thêm nhiều vật thể như thế này, để góp phần vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh về lịch sử Hệ Mặt Trời,” Yoshida chia sẻ.
Trước đây, các nhà thiên văn học từng tập trung vào việc chứng minh sự tồn tại của hành tinh huyền thoại Hành tinh Thứ Chín (hay Planet X theo cách gọi của NASA) – một hành tinh bí ẩn được cho là đang ẩn nấp rất xa bên ngoài sao Diêm Vương, tại rìa của Hệ Mặt Trời.
Một nghiên cứu gần đây đã thu hẹp danh sách 13 ứng viên khả thi xuống chỉ còn 1 vật thể tiềm năng, đang di chuyển rất chậm quanh Mặt Trời ở khoảng cách từ 46,5 đến 65,1 tỷ dặm.
Để so sánh, hành tinh giả thuyết này nằm gần như xa gấp 20 lần sao Diêm Vương tính từ Mặt Trời.
Tuy nhiên, khám phá của nhóm Nhật Bản về Ammonite (2023 KQ14) thách thức lý thuyết về Hành tinh Thứ Chín, vì quỹ đạo độc đáo của Ammonite cho thấy rằng nếu Hành tinh Thứ Chín thực sự tồn tại, thì nó sẽ phải ở xa hơn nhiều so với những gì người ta từng giả định.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu phát hiện ra Ammonite đưa ra giả thuyết rằng một hành tinh bí ẩn nào đó – có thể là Hành tinh Thứ Chín – đã bị đẩy bật khỏi quỹ đạo quanh Mặt Trời từ rất lâu về trước.
Trước giờ, các nhà khoa học từng dùng lý thuyết về Hành tinh Thứ Chín để giải thích cho những bí ẩn chưa có lời giải của Hệ Mặt Trời trong dải Ngân Hà.
Ngoài Sao Hải Vương là một vùng của Hệ Mặt Trời được gọi là Vành đai Kuiper, nơi Sao Diêm Vương và các mảnh băng khác tọa lạc. Cả 4 sednoid cũng nằm trong vùng này. Ảnh: iStockphoto
Trong một phân tích về Hành tinh Thứ Chín, NASA từng nhận định: “Sự tồn tại của hành tinh này có thể giúp Hệ Mặt Trời trông bình thường hơn một chút.”
“Các cuộc khảo sát về các hệ hành tinh quanh các ngôi sao khác trong thiên hà của chúng ta cho thấy loại hành tinh phổ biến nhất là ‘siêu Trái Đất’ – lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn sao Hải Vương,” các nhà nghiên cứu của NASA giải thích. “Thế nhưng trong Hệ Mặt Trời, lại không hề có loại hành tinh nào như thế. Nếu có Hành tinh Thứ Chín, điều đó sẽ giúp lấp đầy khoảng trống đó.”
Nếu các nhà thiên văn học tìm thấy một hành tinh khổng lồ ở rìa Hệ Mặt Trời, điều đó có thể giải thích tại sao các vật thể trong Vành đai Kuiper bị nghiêng khoảng 20 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của các hành tinh chính.
Lực hấp dẫn của Hành tinh Thứ Chín được cho là đã tác động lâu dài lên các vật thể này, làm lệch quỹ đạo của chúng, khiến cả vành đai băng giá bị lệch khỏi quỹ đạo của các hành tinh khác.
Sự tồn tại của Hành tinh Thứ Chín và lực hấp dẫn mạnh mẽ của nó cũng sẽ giải thích lý do vì sao các sao chổi và hành tinh lùn như Pluto thường tụ lại thành một nhóm và di chuyển theo cùng một hướng, thay vì bị trôi nổi ngẫu nhiên.
(Theo Daily Mail, ABC News)
Hải Phong
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/phat-hien-the-gioi-bi-an-moi-trong-he-mat-troi-2423960.html