Theo Science Alert, một nhóm nghiên cứu đã đi tìm thứ đã tạo ra "địa ngục" Io của Sao Mộc. Đó là một mặt trăng lớn được nhà bác học Galileo Galilei khám phá từ đầu thế kỷ 17 và mang cái tên tuyệt đẹp của một tiên nữ trong thần thoại Hy Lạp.
Tuy nhiên, các quan sát hiện đại cho thấy trái ngược với cái tên thơ mộng, Io hiện có 400 ngọn núi lửa và dòng dung nham rộng lớn trải khắp bề mặt.
Bên trong "địa ngục dung nham" Io có thể là các khoang magma nhỏ xen lẫn trong lớp vỏ và lớp phủ rắn - Ảnh đồ họa: NASA
Trước đó, giả thuyết được ủng hộ rộng rãi cho rằng sự hỗn loạn địa chất do một đại dương magma toàn cầu ẩn giấu bên dưới bề mặt của mặt trăng.
Suy đoán này dựa trên việc chính Trái Đất sơ khai cũng được bao phủ bởi các đại dương magma.
Nhóm nghiên cứu đa quốc gia dẫn đầu bởi nhà vật lý vũ trụ Scott Bolton từ Viện nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio (Mỹ) chứng minh đó là một lập luận sai lầm.
Sử dụng hình ảnh chụp từ tàu vũ trụ Juno của NASA, các phép đo trọng lực và dữ liệu lịch sử về biến dạng thủy triều của Io, TS Bolton và các cộng sự xác định rằng các núi lửa trên Io hoạt động nhờ sự phân tán của các khoang magma trong lớp phủ rắn.
Io quay quanh Sao Mộc mỗi 42,5 giờ, bị đẩy và kéo bởi lực hấp dẫn lớn trong quỹ đạo hình elip liên tục định hình lại thiên thể, tạo ra một hiện tượng được gọi là sưởi ấm thủy triều, một lượng nhiệt bên trong khổng lồ được tạo ra.
Nhưng các tính toán mới cho thấy sự biến dạng mà Io hứng chịu không đủ lớn để hỗ trợ cho ý tưởng về một đại dương magma toàn cầu.
Sự sưởi ẩm thủy triều liên tục tạo ra năng lượng khổng lồ, có thể làm tan chảy một phần bên trong Io. Nếu Io có một đại dương magma toàn cầu, dấu hiệu biến dạng thủy triều của nó phải lớn hơn nhiều.
Vì vậy, họ tin rằng bên trong Io chủ yếu là chất rắn. Những khoang magma là đủ để tạo nên "địa ngục" bên trên khi kết hợp với các tác động từ bên ngoài.
Ngoài việc cho chúng ta biết thêm về "địa ngục" khủng khiếp nhất Thái Dương hệ, nghiên cứu còn cung cấp cho các nhà khoa học thông tin hữu ích về cách mà hiện tượng sưởi ấm thủy triều có thể tác động đến một thiên thể từ bên trong.
"Điều này có ý nghĩa đối với sự hiểu biết của chúng ta về các mặt trăng khác, chẳng hạn như Enceladus và Europa, thậm chí cả các ngoại hành tinh và siêu Trái Đất" - đồng tác giả Ryan Park từ Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA cho biết.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Anh Thư