Tình trạng này khiến ông nhiều lần đi khám và được chẩn đoán là loãng xương kèm xẹp thân đốt sống L2.
Sau các đợt điều trị nội khoa, triệu chứng có thuyên giảm nhưng không dứt điểm hoàn toàn.
Ảnh minh họa.
Gần đây, cơn đau lưng của ông đột ngột tăng nặng kèm theo dấu hiệu yếu hai chân, khiến ông phải tái khám tại bệnh viện tuyến tỉnh. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) phát hiện một khối mô mềm cạnh cột sống phải, kích thước lớn (56 × 62 × 127 mm).
Các bác sỹ đã tiến hành sinh thiết và gửi mẫu bệnh phẩm đến Trung tâm Giải phẫu bệnh, Hệ thống Y tế MEDLATEC để làm xét nghiệm mô bệnh học và hóa mô miễn dịch.
Dưới kính hiển vi, mô bệnh học ghi nhận sự hiện diện của các tế bào u đơn dòng, nhân lớn, lệch tâm, bào tương rộng, đặc điểm gợi ý u lympho.
Tiếp tục nhuộm hóa mô miễn dịch, kết quả dương tính với các marker CD138 và CD38, đặc hiệu cho tế bào tương bào đã xác định chính xác chẩn đoán u tương bào ngoài tủy tại cột sống, một dạng u ác tính hiếm gặp nhưng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Trung tâm Giải phẫu bệnh, Hệ thống Y tế MEDLATEC), u tương bào là sự tăng sinh đơn dòng của tế bào tương bào, thành phần cuối cùng của dòng lympho B sau biệt hóa.
Bệnh có thể khu trú trong xương (đặc biệt là cột sống, xương chậu) hoặc ngoài tủy (như vùng hốc mũi, họng, phổi, tuyến nước bọt…).
Dù chiếm tỷ lệ dưới 5% trong tổng số các bệnh lý tăng sinh tương bào, u tương bào có thể tiến triển thành đa u tủy xương, một dạng ung thư máu nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Về mặt dịch tễ, bệnh thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi với tỷ lệ nam/nữ khoảng 2:1. Các triệu chứng ban đầu như đau lưng, mệt mỏi, yếu chi thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý thoái hóa cột sống hoặc loãng xương, khiến người bệnh chủ quan, chậm trễ trong việc thăm khám và điều trị.
Chẩn đoán chính xác u tương bào phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng là mô bệnh học và hóa mô miễn dịch.
Trong khi mô bệnh học giúp nhận diện các đặc điểm hình thái của tế bào tương bào ác tính, thì hóa mô miễn dịch đóng vai trò bổ trợ trong việc xác định dòng tế bào và biểu hiện đơn dòng (qua chuỗi nhẹ kappa hoặc lambda), giúp phân biệt với các loại u lympho ác tính khác hoặc tổn thương viêm mạn tính.
Từ trường hợp của bệnh nhân, bác sĩ Tuấn đưa ra khuyến cáo: người dân, đặc biệt là những người trên 50 tuổi, không nên chủ quan khi xuất hiện triệu chứng đau lưng kéo dài.
Việc thăm khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần mỗi năm và tầm soát các bệnh lý ác tính là cần thiết để phát hiện sớm, nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng bệnh
D.Ngân