Phát hiện vật thể chết chóc mang tên 'Vòng tay của nàng'

Phát hiện vật thể chết chóc mang tên 'Vòng tay của nàng'
một ngày trướcBài gốc
Theo Science Alert, một nhóm nghiên cứu quốc tế vừa đạt được thành tựu ngoạn mục: Tìm ra vật thể song sinh đã chết của ngôi sao nổi tiếng Betelgeuse (Sâm Tú Tứ).
Betelgeuse là một trong những ngôi sao lớn nhất và sáng nhất trên bầu trời Trái Đất, được các nhà khoa học mô tả như một con quái vật đang phình to vào cuối vòng đời: Khối lượng gấp 16,5-19 lần Mặt Trời nhưng bán kính lại lớn hơn tận 764 lần.
Ngôi sao sắp nổ Betelgeuse có một vật thể đồng hành là ngôi sao đã chết mang tên Siwarha - Ảnh: Gemini/NOIRLab/NSF/AURA
Betelgeuse đã đổi màu theo thời gian: Từ vàng rực theo mô tả của học giả Trung Quốc Tư Mã Thiên vào khoảng 2.100 năm trước, cho đến vàng cam theo cổ văn Hy Lạp 2.000 năm trước, hơi đỏ theo mô tả của một nhà khoa học Đan Mạch thế kỷ thứ 16 và hiện nay là đỏ rực.
Điều này cho thấy nó đang ở giai đoạn "sao khổng lồ đỏ", là giai đoạn cuối cùng trong vòng đời của một ngôi sao. Nó sắp nổ - có thể trong năm nay, nhưng cũng có thể là bất kỳ thời điểm nào trong 100.000 năm tới.
Vật thể thú vị này cũng là một sao biến quang, tức ánh sáng từ nó liên tục thay đổi theo thời gian, khiến các nhà khoa học nhiều lần hồi hộp vì ngỡ vụ nổ cuối cùng đang bắt đầu.
Giờ đây, một nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Steve Howell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, đã chỉ ra thủ phạm của sự thay đổi độ sáng đó.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters, có một "bóng ma" quay quanh Betelgeuse, có thể là thứ đôi khi cản bớt ánh sáng từ ngôi sao này chiếu đến Trái Đất.
Đó là một ngôi sao song sinh, ra đời cùng lúc với Betelgeuse, nhưng đã chết trước từ rất lâu và trở nên rất mờ nhạt.
Cái tên Betelgeuse có nghĩa là "Bàn tay của nữ thần khổng lồ" trong tiếng Ả Rập, nên các nhà khoa học đã đặt tên cho ngôi sao chết đồng hành là Siwarha - tức "Vòng tay của nàng" - bởi quỹ đạo của nó quay quanh Betelgeuse giống như tạo thành một chiếc vòng tay.
Ngôi sao chết này có khối lượng gấp khoảng 1,6 lần Mặt Trời, quay quanh Betelgeuse với khoảng cách quỹ đạo là 4 đơn vị thiên văn - tức 4 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời- và chu kỳ quỹ đạo là 5,94 năm.
Phát hiện này đến từ các quan sát của Đài thiên văn Gemini, một hệ thống gồm 2 kính viễn vọng đặt tại Hawaii (Mỹ) và Chile.
Điều đáng nói là cặp vật thể khổng lồ này nằm cách Trái Đất tận 548 năm ánh sáng và Betelgeuse đã chết nên cực kỳ mờ nhạt.
"Phát hiện này nằm ở mức cực đại so với những gì Gemini có thể đạt được về khả năng chụp ảnh góc rộng với độ phân giải cao, và nó đã thành công" - TS Howell cho biết.
Anh Thư
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/phat-hien-vat-the-chet-choc-mang-ten-vong-tay-cua-nang-196250722174250534.htm