Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Một nghiên cứu mới của Israel cho thấy sự chuyển đổi của loài người sang canh tác nông nghiệp cách đây khoảng 8.000 năm tại phía Nam vùng Levant có liên quan đến các hiện tượng cháy rừng và xói mòn đất do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo thông báo ngày 22/4 của trường đại học Hebrew University of Jerusalem, nghiên cứu này được công bố trên tạp chí The Journal of Soils and Sediments (tạm dịch là tạp chí Đất và Trầm tích), dựa trên phân tích mẫu than, đất và dữ liệu khí hậu.
Qua kết quả phân tích, các nhà khoa học phát hiện ra rằng vào khoảng 8.200 năm trước, sự thay đổi trong bức xạ Mặt Trời do biến động quỹ đạo Trái Đất đã gây ra các trận bão sét lớn, dẫn tới cháy thực vật và làm suy thoái đất đồi.
Đất phù sa màu mỡ sau đó bị cuốn trôi xuống thung lũng, buộc các nhóm bộ tộc săn bắt hái lượm khi đó tại phía Nam vùng Levant phải chuyển sang định cư và canh tác nông nghiệp.
Levant là thuật ngữ chỉ khu vực rộng lớn gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine ngày nay.
Lâu nay, có giả thuyết cho rằng sự chuyển đổi từ săn bắt hái lượm sang hoạt động nông nghiệp theo hình thức định canh định cư là một quá trình thuần văn hóa.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các tác giả cho rằng sụp đổ môi trường do khí hậu gây ra mới là yếu tố chính thúc đẩy quá trình nói trên.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho rằng mô hình nông nghiệp theo phương thức định canh định cư có thể đã hình thành từ nhu cầu sinh tồn, mà không hoàn toàn xuất phát từ những tiến bộ trong kỹ thuật tạo tác công cụ làm việc hay thuần hóa vật nuôi./.
(TTXVN/Vietnam+)