Ảnh chụp xác ướp một loài mèo răng kiếm được phát hiện ở Siberia. Ảnh: Scientific Reports 2024.
Vào năm 2020, những nhà khảo cổ tìm kiếm dấu tích ngà voi ma mút ở miền Đông Siberia đã phát hiện một nhúm lông nhô ra từ lớp đất đóng băng vĩnh cửu của sông Badyarikha.
Họ biết rằng vừa tìm ra một thứ gì đó hiếm có, chính là xác ướp từ kỷ băng hà của một chú mèo con.
Khi những nhà khảo cổ đem phát hiện của mình đến Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở Moscow, các nhà nghiên cứu ở đó đã rất vui mừng: Họ vừa được trao tặng xác ướp đầu tiên của một con mèo răng kiếm.
Phát hiện này, được công bố hôm 14/11 trên tạp chí Scientific Reports, là lần đầu tiên sau 28.000 năm con người tận mắt nhìn thấy dấu vết của loài mèo răng kiếm - ít nhất là kể từ khi chúng tuyệt chủng vào cuối kỷ băng hà.
Hình ảnh so sánh đầu từ xác ướp mèo răng kiếm con với đầu sư tử 3 tuần tuổi. Ảnh: Alexey V. Lopatin.
Phân tích cho thấy con mèo này được 3 tuần tuổi trước khi chết cách đây ít nhất 35.000 năm.
Các nhà khoa học kinh ngạc khi bộ lông dày, lớp thịt phủ kín một phần xác chết, khuôn mặt, chân trước và thân của nó gần như còn nguyên vẹn, theo CNN. Lông của nó cũng mềm mại một cách kỳ lạ.
Manuel J. Salesa, chuyên gia về mèo răng kiếm tại Museo Nacional de Ciencias Naturales ở Madrid (Tây Ban Nha), người không tham gia vào bài báo, cho biết: "Nhiều nhà cổ sinh vật học nghiên cứu các loài mèo, bao gồm cả tôi, đã hy vọng trong nhiều thập kỷ sẽ nhìn thấy xác ướp một loài mèo răng kiếm từ lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Phát hiện tuyệt vời này là một trong những khoảnh khắc thú vị nhất trong sự nghiệp của tôi".
Alexey Lopatin, nhà cổ sinh vật học tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga và là tác giả của bài báo, cho biết đây cũng là lần đầu tiên phát hiện ra xác ướp từ kỷ Pleistocene từ một họ động vật không còn loài nào sống sót.
"Cảm giác thật tuyệt vời khi tận mắt chứng kiến diện mạo sống động của một loài động vật đã tuyệt chủng từ lâu. Đặc biệt là khi nói đến một loài săn mồi thú vị như mèo răng kiếm", Lopatin chia sẻ với CNN trong một email.
Đinh Phạm