Phát hiện yến sào không rõ nguồn gốc tại Chợ Bình Tây

Phát hiện yến sào không rõ nguồn gốc tại Chợ Bình Tây
6 giờ trướcBài gốc
Ông Huy cho biết, từ năm 2024 đến tháng 5/2025, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 393 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Các hành vi vi phạm chủ yếu: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định… Cơ quan chức năng đã tạm giữ gần 129.000 đơn vị sản phẩm, gồm vàng, trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm… có tổng trị giá hơn 8,8 tỉ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 8 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện một số gian hàng bày bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Chợ Bình Tây.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã xử phạt 25 triệu đồng với vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc; tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP Thủ Đức với 4,5 tỉ đồng, xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ; phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12. Qua theo dõi mạng xã hội, phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép.
Đặc biệt, chiều 14/5, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra và phát hiện điểm kinh doanh tại Chợ Bình Tây kinh doanh hàng chục hộp yến sào tinh chế loại 100g/hộp với trị giá gần 60 triệu đồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ông Huy, tình hình thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong đợt cao điểm kiểm tra, xử lý, các đội quản lý thị trường đồng loạt ra quân kiểm tra, trên cả thị trường truyền thống và thương mại điện tử. Đã phát hiện điểm kinh doanh tại quận 8 kinh doanh hơn 100 gói bột thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ được giới thiệu, bày bán trên website thương mại điện tử.
Theo ông Huy, hiện nay công tác quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng còn gặp nhiều thách thức do tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ. Sàn thương mại điện tử có sự phát triển nhanh chóng, quy mô lớn và phức tạp. Số lượng giao dịch khổng lồ, đa dạng các loại hình kinh doanh (từ các sàn thương mại điện tử lớn đến các website bán hàng cá nhân, bán hàng qua mạng xã hội) và chủ thể tham gia đông đảo khiến việc bao quát, giám sát trở nên vô cùng khó khăn.
Để tăng tính răn đe, đạ diện Sở Công Thương cho rằng, cần công khai vi phạm của các cá nhân, cơ sở và hình thức xử lý lên các trang thông tin. Đồng thời, tăng nặng chế tài hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Với các cơ sở cố tình vi phạm, không có biện pháp khắc phục hiệu quả hoặc tái phạm nhiều lần, cần đình chỉ hoạt động có thời hạn dài hơn, hoặc xem xét rút giấy phép kinh doanh.
Nguyễn Cảnh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thi-truong/phat-hien-yen-sao-khong-ro-nguon-goc-tai-cho-binh-tay--i768490/