Lực lượng Kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền cho các chủ rừng về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: Ái Vân
Điện Biên có những vùng rừng đầu nguồn cung ứng dịch vụ cho các nhà máy thủy điện, các đơn vị sản xuất nước sạch, các đơn vị làm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn chủ yếu từ các nhà máy thủy điện. Điện Biên có trên 39.000ha rừng đặc dụng, hơn 245.000ha rừng phòng hộ và hơn 130.000ha rừng sản xuất. Với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lớn, rừng Điện Biên có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ cảnh quan môi trường. Rừng cũng có vai trò đặc biệt quan trọng giúp bảo vệ nguồn nước cho đời sống sản xuất của nhân dân, điều hòa dòng chảy trên sông suối, giúp duy trì hoạt động của các nhà máy thủy điện
Mường Nhé là huyện biên giới có diện tích rừng lớn và độ che phủ rừng cao, với trên 86.700ha rừng, độ che phủ đạt trên 55%, chủ yếu là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nơi đây là vùng rừng đầu nguồn sông Đà với hai nhánh suối lớn là Nậm Ma và Nậm Nhé, có hệ động thực vật phong phú, hệ sinh thái rừng đa dạng, khu vực này có hơn 36.400ha rừng được quy hoạch thành khu dự trữ thiên nhiên. Do người dân sống quanh Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé rất đông, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng đất canh tác nông nghiệp và khai thác tài nguyên rừng lớn khiến công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học trong khu vực này gặp nhiều khó khăn. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và phát triển rừng, phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng rà soát, cắm mốc 3 loại rừng, triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng tới cộng đồng dân cư.
Ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé cho biết, theo quy định của pháp luật, trong khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn, vườn quốc gia, nghiêm cấm chặt phá, khai thác lâm sản, săn bắn chim, thú rừng và cấm làm thay đổi cảnh quan, hệ sinh thái rừng. Hiện tại, đơn vị đang triển khai các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hằng năm khoán cho các nhóm và cộng đồng các bản để người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, đơn vị cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho các nhóm nhận khoán rừng để người dân có ý thức hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tại thành phố Điện Biên Phủ hiện có trên 10.100ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, rừng trong khu vực này không chỉ có vai trò quan trọng điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường, mà còn là vùng rừng bảo vệ cảnh quan cho những điểm du lịch, di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Điện Biên. Trong khu vực có trên 4.400ha rừng đặc dụng được quy hoạch và đặt tên. Theo khảo sát của Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, vùng rừng này có trên 1.000 loài thực vật với các nhánh thực vật bậc cao, gần 230 loài động vật hoang dã và nhiều loại tôm, cá. Trong số các loài động, thực vật được tìm thấy, có 7 loài động thực vật nguy cấp quý hiếm, 15 loài động thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và trong Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Đây là vùng rừng đầu nguồn rất quan trọng bảo vệ nguồn tưới tiêu cho toàn bộ cánh đồng lòng chảo Điện Biên Phủ thông qua hệ thống kênh đại thủy nông Nậm Rốm là vùng rừng xanh tươi mang lại nhiều giá trị cho con người.
Ngoài khu vực rừng trong di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, quanh khu vực thành phố Điện Biên Phủ có các vùng rừng phòng hộ với diện tích trên 7.400ha được dân cư địa phương quản lý, bảo vệ. Các cánh rừng trên địa bàn có vai trò quan trọng giữ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp... Do được quản lý tốt nên khu vực này có nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế.
Rừng ở Điện Biên Phủ bao phủ toàn bộ lưu vực đầu nguồn sông Nậm Rốm, trên hệ thống dòng chảy này hiện có 4 thủy điện đang hoạt động, đó là: Ba Khoang, Thác Trắng, Thác Bay và Nà Lơi. Nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các thủy điện này là một trong những nguồn chính chi trả cho người dân quanh lưu vực thực hiện chính sách bảo vệ phát triển rừng. Nhà máy thủy điện Nà Lơi có công suất 9,3MW, hằng năm đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng với hy vọng những cánh rừng đầu nguồn sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Người dân xử lý thực bì để phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Ái Vân
Ông Dương Văn Đông, Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Nà Lơi cho biết, nếu như chính sách dịch vụ môi trường rừng được thực hiện tốt đối với bà con ở trên khu vực thượng nguồn thì sẽ giúp việc bảo vệ rừng, giữ nước tốt hơn. Sau những trận mưa lớn, thủy điện sẽ vận hành được thời gian kéo dài hơn cũng như gia tăng được sản lượng điện. Chúng tôi rất ủng hộ cũng như chấp hành nghiêm các chính sách liên quan tới dịch vụ môi trường rừng. Năm 2022, chúng tôi đã chi trả với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng, năm 2023 là 1,467 tỷ đồng.
Trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được chính quyền tỉnh Điện Biên chỉ đạo sát sao. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên cũng đã chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác thu, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Giai đoạn 2019-2023, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng của tỉnh Điện Biên đạt trên 1.150 tỷ đồng (trên 98% tiền dịch vụ môi trường rừng được thu từ các thủy điện có sử dụng dịch vụ môi trường rừng), hơn 4.800 chủ rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền hơn 994 tỷ đồng.
Công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng có ý nghĩa quan trọng, tạo nguồn lực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài nhà máy thủy điện, đơn vị cung ứng nước sạch, còn có các đơn vị hoạt động du lịch dịch vụ, các cơ sở sản xuất sử dụng dịch vụ được cung cấp từ rừng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục rà soát các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng, lập danh sách đề nghị chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật để gia tăng nguồn thu cho địa phương.
Ái Vân