Phát huy giá trị đa dụng của rừng xu thế tất yếu!

Phát huy giá trị đa dụng của rừng xu thế tất yếu!
4 giờ trướcBài gốc
Tiềm năng lớn tại Bình Thuận và “lối mở” từ Nghị định 91/2024
Bình Thuận là một trong những tỉnh còn khá nhiều rừng trong cả nước với độ che phủ rừng hơn 43%. Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023 cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn với khoảng 290.000 ha. Thời gian qua, du lịch của tỉnh ghi dấu ấn với một số điểm trải nghiệm như cung đường Trekking được ví đẹp nhất Việt Nam là Tà Năng – Phan Dũng (Tuy Phong)… Một số nơi có hệ cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng sinh học gắn với các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Đơn cử như rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, gắn với quần thể kiến trúc Phật giáo lớn tọa lạc trên đỉnh núi như chùa Linh Sơn Trường Thọ, chùa Tổ, chùa Long Đoàn và suối nước nóng Bưng Thị (Hàm Thuận Nam). Bên cạnh, Bình Thuận còn có rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, gắn với Thác Bà (Tánh Linh); rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi gắn với khu thác 9 tầng, hồ Hàm Thuận, hồ Đa Mi; rừng phòng hộ Đông Giang gắn với Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (Hàm Thuận Bắc)... Đây là tiềm năng và là điều kiện thuận lợi cho việc cho thuê môi trường rừng để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Từ đó, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng thông qua các dịch vụ cho thuê môi trường rừng. Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay việc khai thác các giá trị của rừng trên địa bàn tỉnh chỉ mới tập trung vào giá trị sử dụng trực tiếp, chưa khai thác được giá trị sử dụng gián tiếp (giá trị dịch vụ môi trường rừng).
Thác Bà, Tánh Linh. Ảnh: N.Lân
Với sự hội tụ tiềm năng “thiên thời, địa lợi” ấy, để phát huy giá trị đa dụng của rừng, tăng cường nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng, Bình Thuận cần có “đòn bẩy” để bứt phá.
Năm 2024, một “lối mở” đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2024/NĐ - CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2028/NĐ - CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (NĐ 91). Trong đó có nội dung: Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là dự án đầu tư có sử dụng môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. NĐ 91 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 14 về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng. Chủ rừng tổ chức lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung chủ yếu của đề án bao gồm đánh giá sơ bộ hiện trạng rừng, khả năng tổ chức thực hiện và các loại sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; vị trí, quy mô, vật liệu, chiều cao… tỷ lệ dự kiến và thời gian tồn tại của công trình; các giải pháp thực hiện đề án; tổ chức giám sát hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí…
Nâng giá trị từ dịch vụ thuê môi trường rừng
Từ những hướng mở của NĐ 91, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Bình Thuận đã tổ chức đoàn công tác đến Kiên Giang. Mục đích khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm mô hình thuê môi trường rừng thực hiện dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại đây. Đoàn đã tìm hiểu về các quy định, cơ chế, chính sách được tỉnh Kiên Giang ban hành liên quan hoạt động cho thuê môi trường rừng. Qua kết quả học tập kinh nghiệm tại Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã có buổi họp, báo cáo kết quả đến UBND tỉnh về các nội dung liên quan. Theo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải, hiện nay Luật Lâm nghiệp năm 2017 và NĐ 91 đã có những quy định mới liên quan việc nâng cao giá trị sử dụng dịch vụ môi trường rừng của rừng, góp phần thay đổi nhận thức về vai trò và phát huy giá trị đa dụng của rừng. Do đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy trình, trình tự, thủ tục, làm rõ các khâu, các bước triển khai cho thuê dịch vụ môi trường rừng thực hiện dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, việc lựa chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng. Đồng thời lấy ý kiến của các sở ngành và các địa phương liên quan. Ông Lê Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cho biết, hiện nay Sở đang triển khai thực hiện các nội dung đến thuê môi trường rừng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Về một số định hướng thời gian tới, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đơn vị tiếp tục quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Đi đôi với bảo tồn đa dạng sinh học bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng. Song song, khai thác các tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử, môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái và cho thuê môi trường rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng là xu thế tất yếu…
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay là 342.127,58 ha. Dự kiến tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp của tỉnh đến năm 2030 là 335.533 ha, diện tích đất rừng sản xuất là 167.415 ha. Phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 43% theo định hướng Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
KIỀU HẰNG
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/phat-huy-gia-tri-da-dung-cua-rung-xu-the-tat-yeu-127429.html