Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero

Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero
2 giờ trướcBài gốc
Hội thảo: “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững”.
Mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên và quản lý rừng sản xuất chưa hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm gia tăng phát thải khí nhà kính.
Bảo vệ rừng là nhiệm vụ then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050. Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, mỗi năm trồng thêm khoảng 238.000 hecta rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.
Để hiểu rõ thực trạng, từ đó phát triển rừng hướng tới mục tiêu Net Zero, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững”.
Hội thảo có sự tham dự của các đại diện của Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp để cùng trao đổi, chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển rừng bền vững. Từ đó, đề xuất, hiến kế các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực cho phát triển rừng bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Hội thảo được cấu trúc thành 2 phiên.
Phiên tham luận bao gồm các báo cáo về “Cơ sở pháp lý và các chính sách của Việt Nam về quản lý, phát triển và khai thác các nguồn lợi từ rừng” của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và đại diện khối tư nhân.
Phiên thảo luận gồm 2 phiên thảo luận, khai thác rõ hơn các vấn đề ở nhiều khía cạnh, góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức tài chính, doanh nghiệp.
Lĩnh vực lâm nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp tác quốc tế và cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao năng lực quản lý, thúc đẩy giá trị kinh tế rừng bảo đảm quản trị lâm nghiệp bền vững.
Phiên thảo luận 1: “Phát huy hiệu quả giá trị nguồn lợi từ rừng: Kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án phát triển và vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển rừng bền vững”, sẽ tập trung phân tích về chính sách, quy định với các doanh nghiệp, chủ thể liên quan trong phát triển rừng bền vững, những kinh nghiệm thực tiễn, các thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ.
Từ đó, đưa ra các gợi ý, khuyến nghị về mô hình, chính sách, cơ chế, nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả các nguồn lợi từ rừng cũng như lời khuyên cho các doanh nghiệp, chủ thể khác, khi triển khai các dự án về rừng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Những vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam chuẩn bị thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Hiện nay, tín chỉ carbon rừng đang được ngành lâm nghiệp nước ta quan tâm. Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới. Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong nhiều năm qua, việc mở rộng diện tích rừng đã giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam đạt được các cam kết giảm phát thải, mở ra tiềm năng to lớn để tham gia vào thị trường carbon trong nước và toàn cầu.
Phiên thảo luận 2: “Thị trường tín chỉ carbon và tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng” tập trung vào vai trò của đầu tư tư nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp hướng đến tạo tín chỉ carbon rừng, các vấn đề kỹ thuật, khó khăn và thách thức được coi là cản trở đáng kể đối với sự tham gia của khối tư nhân. Trên cơ sở đó, hiến kế các giải pháp thảo gỡ, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp hướng đến tạo tín chỉ carbon rừng.
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/phat-huy-gia-tri-nguon-loi-tu-rung-gan-voi-muc-tieu-net-zero.htm