Phát huy giá trị văn hóa trong kỷ nguyên mới

Phát huy giá trị văn hóa trong kỷ nguyên mới
5 giờ trướcBài gốc
Để đạt được các mục tiêu này, phải hội tụ được sức mạnh tổng thể nhiều lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực văn hóa - đóng vai trò “sức mạnh mềm” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Văn hóa Bình Phước đại diện cho cả vùng Đông Nam Bộ”…
Trong hành trình phát triển, đất nước ta đã trải qua nhiều kỷ nguyên để khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới, như: Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên mới. Đây là thời điểm hội tụ tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Lĩnh vực văn hóa có vai trò quan trọng thúc đẩy Bình Phước ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực
Trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trong khu vực và quốc tế. Bản đồ ngoại giao văn hóa, chính trị, kinh tế ngày càng mở rộng trên thế giới. Với kho tàng giá trị tinh hoa của dân tộc, văn hóa đã tạo ra một hình ảnh Việt Nam tích cực, thân thiện và giàu bản sắc với cộng đồng thế giới. Từ đó văn hóa được xem là “hộ chiếu quốc tế”, nguồn lực chiến lược đưa Việt Nam sánh vai cùng bạn bè quốc tế trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, phát triển văn hóa song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội sẽ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đất nước khẳng định vị thế và bản sắc của mình trong kỷ nguyên mới. Được ví là “sức mạnh mềm” trong kỷ nguyên mới, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò cốt lõi của mình ở các khía cạnh: Khẳng định bản sắc dân tộc, là công cụ ngoại giao hiệu quả; thúc đẩy tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc; đồng thời văn hóa còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Du khách đến tham quan tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Để phát huy giá trị văn hóa trong kỷ nguyên mới, tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023 về Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng: “Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện gắn với mục tiêu phát triển con người, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Bình Phước, thúc đẩy các ngành dịch vụ văn hóa, văn hóa cộng đồng, bảo tàng, bảo tồn, sáng tác văn học, nghệ thuật”.
Có vị trí chiến lược quan trọng trong văn hóa, kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ, Bình Phước là thành phần không thể thiếu trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Trong hành trình đi tìm “hình hài văn hóa” của mình, để định vị Bình Phước trên bản đồ văn hóa của Việt Nam và khu vực, Bình Phước được các chuyên gia nhận xét có nhiều nét văn hóa đặc thù. Với thế mạnh một nền văn hóa đa dạng, bản sắc, vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc vừa giàu có bản sắc địa phương. Với nhiều đặc tính nổi trội hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Minh chứng cho những điều này, Bình Phước đã tích hợp 41 thành phần dân tộc sinh sống với những nét văn hóa riêng. Sự hòa đồng của con người Bình Phước cũng là một nét đặc sắc riêng được hình thành trong quá trình dài tiếp nhận người dân di cư khắp nơi đến lập nghiệp mang theo nhiều nền văn hóa dân tộc khác nhau. Sự hỗn dung văn hóa chính là đặc sắc của Bình Phước. Bên cạnh đó, với thế mạnh về cảnh quan, đa dạng văn hóa tạo nên sức mạnh văn hóa.
Người dân Bù Gia Mập đã có ý thức gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình và chung tay cùng chính quyền phát triển du lịch, đưa văn hóa người S'tiêng đến với du khách gần xa
Về di sản văn hóa, Bình Phước có 102 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có các di tích chiến tranh như: Di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2, Bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, núi Bà Rá…
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo tỉnh Bình Phước quan khu trưng bày đàn đá Lộc Hòa bên lề Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023
Đánh giá về ưu điểm, tiềm năng văn hóa của Bình Phước, PGS.TS Huỳnh Văn Tới, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết: Nhìn một cách tổng quan, các di tích trên địa bàn Bình Phước mang cấu thành có đầy đủ các dạng di tích. Đặc điểm quan trọng là các di tích này đều có giá trị đặc biệt và tỏa sáng, nó đánh dấu một chuỗi từ khai mở, đấu tranh cách mạng giành chính quyền cho đến xây dựng và phát triển hiện nay. Với địa thế và không gian văn hóa kết nối, gắn liền với khu vực Đông Nam Bộ và tiếp giáp Vương quốc Campuchia nên các di tích của Bình Phước không chỉ đại diện cho bản thân nó mà cho cả vùng và kết nối liên vùng. Mỗi di tích đều có ý nghĩa kết nối với các di tích đồng dạng trong khu vực Đông Nam Bộ. Cho nên khi đánh giá vị thế và nghiên cứu hướng phát triển di tích lịch sử, văn hóa Bình Phước phải có tư duy liên vùng.
Còn nhạc sĩ Trần Cao Vân, giảng viên âm nhạc Trường đại học Quảng Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi nhận xét về văn hóa Bình Phước cho rằng: “Đến với Bình Phước, yếu tố đầu tiên mà tôi cảm nhận và yêu mảnh đất này chính là truyền thống lịch sử. Điều này đã cho tôi rất nhiều cảm xúc trong sáng tác các tác phẩm về Bình Phước. Bên cạnh đó, có thể nói dân tộc S’tiêng định cư lâu nhất trên mảnh đất này. Những nét văn hóa S’tiêng, âm nhạc S’tiêng đã cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác cũng như vận dụng sáng tác trong ca khúc của mình. Đến nay, tôi đã có hơn 30 ca khúc viết về Bình Phước, trong đó riêng về đồng bào S’tiêng là 7 ca khúc”.
Để phát huy thế mạnh văn hóa của Bình Phước nhằm hòa vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh đang thực hiện các giải pháp như: Xây dựng nền tảng thể chế và chính sách phù hợp với bối cảnh mới. Đầu tư vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Hỗ trợ các sáng kiến văn hóa sáng tạo; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức và cá nhân vào lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, xây dựng văn hóa số để nâng lên tầm cao mới, đáp ứng với sứ mệnh “sức mạnh mềm” trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết 14 - “Giấy thông hành đặc biệt” trong kỷ nguyên mới
Văn hóa là những điều tốt đẹp nhất còn đọng lại trong hành trình dài phát triển của một dân tộc, một đất nước. Vì vậy, bản sắc văn hóa chính là kho báu vô giá mà mỗi người dân sống trên đất nước hình chữ S nói chung và Bình Phước nói riêng được thừa hưởng những giá trị trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử, gắn kết người Bình Phước với cội nguồn và cũng là sức mạnh đưa Bình Phước vươn xa trong khu vực và quốc tế, hòa vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bối cảnh hiện nay, tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng nhanh, Bình Phước càng nêu cao tinh thần gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương, đất nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng giúp Bình Phước xây dựng hình ảnh hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo trong hành trình vươn ra biển lớn của mình. Những hình ảnh đó, giúp Bình Phước tạo được dấu ấn đặc biệt trong mắt các quốc gia, nhà đầu tư trên thế giới, mang lại kết quả thành công trong ngoại giao kinh tế thời gian qua.
Những nét văn hóa đặc sắc tạo hình ảnh về Bình Phước hòa đồng, năng động, kỷ cương thu hút nhà đầu tư. Trong ảnh: Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc
Đánh giá về đóng góp của văn hóa trong việc giúp Bình Phước khẳng định vị thế đối với phát triển kinh tế và ngoại giao, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Trước hết, Bình Phước có nền văn hóa rất phong phú với nhiều tộc người. Vì vậy, văn hóa của Bình Phước có sự đa dạng nhưng mang tính thống nhất cao. Thứ hai, con người Bình Phước có những đặc điểm chung của con người Việt Nam nhưng cũng có bản sắc riêng đó là sự dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu ở những giai đoạn lịch sử trước đây. Trong thời kỳ mới - lao động, xây dựng đất nước thịnh vượng, các đức tính này cần được giữ vững phát huy để vươn lên. Ngoài ra, sự thủy chung, nhân hậu, cởi mở với những người ở các vùng đất khác đến đây sinh sống, lao động, kể cả với nước ngoài là nét văn hóa đặc trưng đáng quý của người Bình Phước. Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã có sự thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt.
Có được điều đó, nhờ vào việc triển khai Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Với mục tiêu chung xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đồng thời phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo.
Ngọc Bích
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/555/166506/phat-huy-gia-tri-van-hoa-trong-ky-nguyen-moi