Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
7 giờ trướcBài gốc
Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025).
Hội thảo được chủ trì bởi ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (ở giữa); ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi (bên trái); ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng biên tập Báo Văn hóa (bên phải). (Nguồn: BTC)
Sự kiện cũng tạo diễn đàn thảo luận, chia sẻ lý luận và thực tiễn, nêu thực trạng; đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác.
Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi; ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng biên tập Báo Văn hóa, Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương liên quan; các sở, ngành, địa phương trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị trực thuộc Bộ VHTT&DL; các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, các nghệ nhân, các doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan báo chí….
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Tổng biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: đánh giá tiềm năng, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; làm rõ thực trạng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng như khu vực miền Trung và cả nước.
Hội thảo cũng đưa ra những nguy cơ, thách thức trong quá trình phát triển và định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa; các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết nối các điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, điểm đến Quảng Ngãi tới các trung tâm du lịch trên cả nước; đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể, các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cũng như giải pháp phát triển du lịch Quảng Ngãi thời gian tới.
Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 20 bài tham luận từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo. (Nguồn: BTC)
Các tham luận cũng tập trung kiến giải về thực trạng, cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đánh giá thành công, hạn chế và nguyên nhân trong bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch; xu hướng phát triển thời gian tới; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch; cùng các kiến nghị và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; giải pháp phát triển du lịch bền vững, nhanh, hiệu quả trong tương lai.
Trước đó, ngày 22/11 đã diễn ra Chương trình “Truyền thông, quảng bá du lịch Quảng Ngãi” nhằm quảng bá điểm đến, dịch vụ du lịch, cơ hội kết nối doanh nghiệp, thu hút khách du lịch tới Quảng Ngãi.
Chương trình sẽ có sự tham gia của khoảng hơn 80 đại diện các cơ quan quản lý du lịch, các hiệp hội du lịch, CLB du lịch, doanh nghiệp du lịch trên cả nước… Chương trình quảng bá này là một trong những bước đi quan trọng nhằm đưa du lịch Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Các đại biểu đã tới tham quan, khảo sát tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng- một người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi và là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tham quan Làng Gò Cỏ - Điểm du lịch OCOP 3 sao, nơi lưu giữ giá trị văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh…
Dịp này, các đại biểu cũng tham quan Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh- nơi đang trưng bày 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị, là địa điểm tham quan, tìm hiểu thú vị về nền văn minh tồn tại 2.000 - 3.000 năm trước' tham quan bãi biển Sa Huỳnh thuộc địa phận hai xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, huyện Phổ Đức- một trong số những bãi biển đẹp nhất cả nước với bờ cát trắng, nước xanh ngắt và không khí trong lành.
Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và giàu bản sắc văn hóa. Với những lợi thế tự nhiên và văn hóa đa dạng, Quảng Ngãi cũng đã bắt đầu khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, du lịch Quảng Ngãi trong nhiều năm qua chưa có nhiều sự bứt phá. Vì thế, muốn khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển du lịch nhanh và bền vững trong tương lai, tỉnh cần đánh giá được các nguồn tài nguyên, thực trạng phát triển, những “điểm nghẽn” cũng như những giải pháp cụ thể và chiến lược phát triển dài hạn.
Với đường bờ biển dài, sở hữu nhiều bãi biển đẹp như: Mỹ Khê, Sa Huỳnh, đảo Lý Sơn - thiên đường đảo nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và hệ sinh thái độc đáo, Quảng Ngãi đã ghi danh ở nhiều chương trình du lịch. Bên cạnh đó, các danh thắng như: Thác Trắng, núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc cũng là những địa điểm du lịch hấp dẫn, mang đến cho du khách trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên.
Quảng Ngãi còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử, bao gồm di tích Sa Huỳnh - một trong những nền văn hóa cổ xưa của Việt Nam; di tích văn hóa dân tộc Chăm Pa với tháp Chánh Lộ, tháp quy mô lớn nhất được biết đến ở vùng nam châu Amaravati của vương quốc Chăm, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Các lễ hội truyền thống như: Lễ hội nghinh Ông, Lễ hội cầu ngư và văn hóa đặc trưng người dân miền biển đã tạo nên nét đặc sắc, thu hút khách du lịch khám phá văn hóa, lịch sử.
Các chuyên gia du lịch đánh giá, mặc dù là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch nhưng Quảng Ngãi vẫn chưa phát huy, khai thác hiệu quả.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, dịch vụ và sản phẩm du lịch chưa phong phú, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu và đặc biệt là sự liên kết giữa các điểm đến trong khu vực còn yếu, dẫn đến khó khăn trong việc giữ chân du khách lưu lại lâu hơn.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi cần đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để thu hút khách và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch.
Trong đó, tỉnh cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ lưu trú là rất cấp thiết để tăng khả năng tiếp cận và trải nghiệm của du khách; đầu tư mở rộng các tuyến đường kết nối các điểm du lịch chính, phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng và các dịch vụ tiện ích sẽ là nền tảng quan trọng giúp Quảng Ngãi thu hút khách du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng dịch vụ.
Quảng Ngãi đang xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch bài bản, tập trung vào các điểm nhấn độc đáo của địa phương. (Nguồn: BTC)
Với những tiềm năng, lợi thế nói trên, tỉnh cũng cần nghiên cứu, đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh liên kết vùng; tập trung phát triển các loại hình du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa- lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn…; tăng cường liên kết với các địa phương lân cận như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… để hình thành chuỗi du lịch liên vùng với các tour trải nghiệm từ vùng đất văn hóa Chăm Pa ở Bình Định đến miền biển đảo Quảng Ngãi và di sản Hội An - Mỹ Sơn ở Quảng Nam.
Quảng Ngãi đang xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch bài bản, tập trung vào các điểm nhấn độc đáo của địa phương; xây dựng thương hiệu “Quảng Ngãi - Thiên đường đảo Lý Sơn và di sản văn hóa Sa Huỳnh” tạo sự nhận diện thương hiệu rõ ràng, gắn liền với các điểm đến nổi bật và giá trị văn hóa đặc trưng.
Tỉnh cũng cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch bền vững, có tác động tích cực tới cộng đồng và môi trường, sử dụng lao động địa phương. Các dự án nên ưu tiên khai thác tài nguyên sẵn có, bảo tồn thiên nhiên và không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương.
Hà Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-cua-cac-dan-toc-thieu-so-gan-voi-phat-trien-du-lich-294925.html