Phát huy hệ thống chính trị cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Phát huy hệ thống chính trị cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
3 giờ trướcBài gốc
Ở nước ta, hệ thống chính trị được chia thành 4 cấp hành chính, từ Trung ương đến cơ sở (xã, phường, thị trấn). Thông qua hệ thống chính trị cấp cơ sở mà ý Ðảng - lòng Dân được thống nhất, tạo nên mối quan hệ gắn bó máu thịt, như cá với nước, làm cho đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước bám rễ vào đời sống Nhân dân.
Tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở là nơi tập hợp đoàn viên, hội viên cùng đoàn kết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng (Trong ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Thành góp nhu yếu phẩm ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3).
“Tai, mắt” của Ðảng
Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường; sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn. Chúng lợi dụng những địa bàn cơ sở, nhất là những vùng xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, Nhân dân thiếu thông tin chính thống... để ra sức thực hiện âm mưu chống phá. Ðiều này đòi hỏi hệ thống chính trị cơ sở phải nhạy bén, thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội, sâu sát với Nhân dân, để kịp thời tuyên truyền, định hướng người dân những thông tin đúng đắn, nội dung tích cực, tránh để thế lực thù địch lợi dụng Nhân dân để tạo điểm nóng về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhằm chống phá Ðảng, Nhà nước, chế độ.
Ông Hồ Trung Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, cho rằng, hệ thống chính trị cơ sở là “tai, mắt” của Ðảng, Nhà nước. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải xuất phát từ mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân, bắt đầu từ cơ sở. Phải thống nhất từ quan điểm, chủ trương chỉ đạo; đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa hình thức; tăng cường lực lượng, nhất là phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở; gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.
“Ðể hệ thống chính trị cơ sở trở thành “tai, mắt” của Ðảng, Nhà nước thì các cơ quan trong hệ thống chính trị cơ sở phải gần dân, sát dân hơn nữa. Tăng cường công tác triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn. Quan tâm xây dựng tổ chức, lực lượng phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương”, ông Việt nêu quan điểm.
Có ý kiến cho rằng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu trên không gian mạng là hoàn toàn sai lầm. Công việc hệ trọng này là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, hằng ngày về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống văn hóa, giữ vững an ninh - quốc phòng, đối ngoại... của cả hệ thống chính trị các cấp. Ông Việt chỉ rõ nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở là triển khai, thực hiện chủ trương của cấp ủy cấp trên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; là lãnh đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị cơ sở; là phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; là đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; là bố trí nguồn lực cần thiết (lực lượng, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật...) để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phải gắn nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Giải pháp sát thực tiễn, khả thi
Bối cảnh quốc tế và trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến, tác động đa chiều, khó lường đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta nói chung, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của hệ thống chính trị cơ sở nói riêng. Từ đó, đặt ra yêu cầu tất yếu, khách quan là cần có phương hướng, giải pháp sát thực, khả thi, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng của Ðảng tại cơ sở. Cụ thể:
Một là, tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Ðồng thời, nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài, không chỉ là công việc của cấp ủy, tổ chức đảng, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị cơ sở, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Theo đó, hệ thống chính trị cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thường xuyên, nghiêm túc quán triệt, nêu gương, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phù hợp với từng vai trò, nhiệm vụ được giao. Ðặc biệt, không được lơ là, mất cảnh giác, tâm lý chủ quan, buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý.
Hai là, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để xây dựng kế hoạch tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; huy động lực lượng một cách hợp lý, tránh rập khuôn, máy móc theo các địa phương khác. Mạnh dạn xây dựng các mô hình thực hiện nhiệm vụ sáng tạo, có hiệu quả, để làm tiền đề nhân rộng các điển hình tiên tiến, tiêu biểu. Có hình thức hợp lý để động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia, quan tâm công tác tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhằm biến nội dung công tác này thành phong trào thi đua, để huy động ngày càng đông lực lượng tham gia. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm cho hệ thống chính trị cơ sở trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là, gắn việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Kết hợp đồng bộ việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bốn là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Theo đó, hệ thống chính trị cơ sở cần nhận thức đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Ðảng và chế độ. Mỗi đảng bộ, chi bộ cần đưa nhiệm vụ này vào nghị quyết để thực hiện thường xuyên. Các cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Năm là, đổi mới nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Theo đó, nội dung thực hiện cần hướng vào việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị cụ thể của địa phương, cũng như thực hiện chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chăm lo các lĩnh vực phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, giảm nghèo, dân tộc, tôn giáo... Phương thức thực hiện cần linh hoạt, vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân, vừa tham gia viết bài, chia sẻ những thông tin tích cực trên không gian mạng.
Sáu là, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ðội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bản thân đảng viên làm trước để hướng dẫn, dẫn dắt mọi người cùng làm theo. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở để việc thực hiện nhiệm vụ đi vào nền nếp, có sức lan tỏa rộng rãi đến đông đảo quần chúng Nhân dân trên địa bàn.
Bảy là, phát huy vai trò của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ðây là một trong những giải pháp quan trọng, đòi hỏi hệ thống chính trị cơ sở phải sâu sát thực tiễn địa phương để nắm tình hình chính trị, tư tưởng của Nhân dân. Từ đó, phát huy vai trò của Nhân dân trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động chống phá, gây rối trật tự xã hội của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, để cấp ủy, chính quyền có giải pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy vai trò của những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng tại cơ sở như cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, phụ nữ, thanh niên, già làng, trưởng bản... Ðặc biệt, ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, tập trung đông đồng bào có đạo, dân tộc thiểu số, cần xây dựng lực lượng nòng cốt từ Nhân dân, để thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, ổn định tâm lý, tránh để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng để lôi kéo, mua chuộc, kích động./.
Ðỗ Chí Công
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/phat-huy-he-thong-chinh-tri-co-so-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-a34571.html