Nhiều đề tài chất lượng
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh thực hiện từ 40-50 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp tỉnh; khoảng 30 nhiệm vụ cấp cơ sở (thời gian thực hiện từ 1-3 năm tùy tính chất, nội dung của đề tài, dự án). Các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế, xã hội nhân văn… Sau thời gian thực hiện, hầu hết nghiên cứu hoàn thành mục tiêu đề ra, được hội đồng khoa học công nghệ đánh giá cao, có khả năng ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn.
Đề tài xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận dứa Lạng Giang được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.
Đề tài “Nghiên cứu nâng cao năng lực thực hành chăm sóc của đội ngũ điều dưỡng trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Bắc Giang” là một ví dụ. Đề tài do Sở Y tế chủ trì thực hiện từ tháng 2/2023 đến 6/2024, kết quả nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Được biết, đội ngũ điều dưỡng trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh còn thiếu về số lượng, không đồng đều về năng lực, chuyên môn. Trong khi đó, cán bộ điều dưỡng đóng vai trò quan trọng, thực hiện nhiều nhiệm vụ từ điều trị, chăm sóc đến phục hồi chức năng, tư vấn sức khỏe.
Để nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ này, nhóm tác giả đã xây dựng quy trình điều tra, khảo sát tổng thể năng lực điều dưỡng; xây dựng các chương trình đào tạo (về nắm bắt nhu cầu chăm sóc của người bệnh, gia đình, cộng đồng; dùng thuốc an toàn; giao tiếp hiệu quả với bệnh nhân và gia đình người bệnh). Cùng đó, thiết kế các video hướng dẫn thực hành chăm sóc, điều dưỡng; thực hiện các chuyên đề nghiên cứu khoa học; tổ chức tập huấn, đào tạo; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao năng lực thực hành chăm sóc cho đội ngũ điều dưỡng trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Bắc Giang... Kết quả, đề tài đã được nghiệm thu, bàn giao cho các đơn vị liên quan để ứng dụng trong thời gian tới.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh thực hiện từ 40-50 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp tỉnh; khoảng 30 nhiệm vụ cấp cơ sở. Các đề tài nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế, xã hội nhân văn... Hầu hết nghiên cứu hoàn thành mục tiêu đề ra, được hội đồng khoa học công nghệ đánh giá cao, có khả năng ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn.
Đề tài “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình bảo quản và chế biến một số sản phẩm từ nấm ăn theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh” do nhóm tác giả đến từ Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương (thị xã Việt Yên) thực hiện, nghiệm thu đầu năm 2024 cũng được đánh giá cao. Sản phẩm chính của đề tài là xây dựng mô hình bảo quản nấm tươi; quy trình kỹ thuật tạo ra các sản phẩm chế biến từ nấm (pate nấm, giò nấm, sốt nấm…). Các sản phẩm từ nấm của Công ty đã góp phần đa dạng hóa, nâng cao giá trị nông sản, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Được biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Công ty sản xuất gần 10 tấn nấm tươi các loại và 4 tấn sản phẩm chế biến từ nấm; sản phẩm tiêu thụ thuận lợi; tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở khác cũng được đánh giá cao, ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn như: Sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, biên tập, số hóa Văn kiện Đảng bộ tỉnh Bắc Giang toàn tập; nghiên cứu xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất trồng cây ăn quả tại huyện Tân Yên; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận dứa Lạng Giang...
Tập trung nguồn lực phát triển
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cũng gặp một số khó khăn. Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Hoàn, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cho biết, trong thời gian thực hiện dự án về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp nếu không may gặp phải tình trạng thời tiết cực đoan sẽ làm gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặt khác, sự phối hợp giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong ứng dụng thành tựu công nghệ chưa chặt chẽ, làm chậm quá trình hiện đại hóa nông nghiệp; hệ thống quản lý khoa học công nghệ trong lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ.
Tại hội nghị “Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang đồng hành với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức trong tháng 4 vừa qua, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn khác khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Cụ thể như thủ tục hành chính liên quan đến công tác phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thời điểm kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; một số chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong duy trì, nhân rộng kết quả nghiên cứu; nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn hạn chế...
Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục quan tâm tăng nguồn kinh phí, kiến nghị quy định về mức chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp với thực tiễn. Đề nghị Sở Tài chính chủ trì, hướng dẫn các đơn vị đấu thầu thực hiện dự án đúng quy định, nhanh chóng; các huyện, thị xã, thành phố quan tâm phối hợp, hỗ trợ đơn vị chủ trì dự án khảo sát, lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia, lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình, vùng sản xuất tập trung phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh ngày càng thực chất, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ. Trong đó ưu tiên phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học cần nêu cao tinh thần học hỏi, cầu thị, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia, thành viên trong hội đồng khoa học và công nghệ. Đồng thời, Sở tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy, xóa bỏ rào cản trong nghiên cứu khoa học; đề nghị tỉnh bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu nhằm phục vụ chiến lược, lĩnh vực, mục tiêu quan trọng.
Bài, ảnh: Mạc Yến