“Điểm chờ” ấm lòng dân
Thường xuyên dậy từ sáng sớm để đợi xe buýt đi làm, anh Nguyễn Thành Trung cho biết, do không có nhà chờ xe buýt nên anh thường đứng bên lề đường chờ xe. Ngoài việc phải đứng mỏi chân, có nhiều hôm anh còn gặp phải mưa, lạnh, gió rét. Vì vậy, điểm chờ xe buýt mới được lắp đặt tại xã Đại Áng rất có ý nghĩa với anh và nhiều người dân ở nơi đây. Đặc biệt là học sinh, sinh viên đến trường bằng phương tiện công cộng.
Ở khu vực nội đô, trên các tuyến xe buýt, các ngành chức năng đều xây nhà chờ cho người sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, ở khu vực ngoại thành, đa phần các tuyến xe buýt chưa được đầu tư xây dựng nhà chờ.
Ngày 23/11, người dân xã Đại Áng vui mừng và bất ngờ khi hàng loạt các nhà chờ xe buýt được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Khi được biết đây là mô hình của Hội Cựu chiến binh xã Đại Áng, nhiều người dân bày tỏ sự xúc động. Bà Đỗ Thị Lan, một người dân xã chia sẻ: “Bà con rất cảm ơn tấm lòng của các đồng chí cựu chiến binh, những người luôn cống hiến vì nhân dân”.
Đại Áng là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện Thanh Trì có hệ thống điểm chờ xe buýt văn minh từ nguồn kinh phí được xã hội hóa của Hội Cựu chiến binh xã.
Nói về mô hình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Áng Nguyễn Văn An cho biết, thời gian qua, chứng kiến người dân đứng ngoài trời đợi xe buýt phải chịu mưa, nắng, Hội đã họp và đưa ra ý tưởng xây dựng nhà chờ xe buýt trên các điểm xe buýt dừng đón, trả khách.
“Điểm tựa lớn nhất để Hội Cựu chiến binh xã biến ý tưởng thành hiện thực trong xây dựng công trình là được sự ủng hộ nhiệt tình từ chính hội viên. Thấy việc làm thiết thực và ý nghĩa, đã có nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng chung tay góp sức ủng hộ kinh phí để thực hiện”, ông Nguyễn Văn An cho biết.
Nhà chờ xe buýt có kích thước cao 2m, sâu 1,5m, dài 3,2m và có ghế ngồi rộng 25-30cm, cao 40cm, dài 2,7m. Chi phí xây dựng mỗi điểm chờ từ 10 triệu đồng, tùy thuộc vào vị trí, hạ tầng của từng điểm xây dựng khác nhau. 5 điểm chờ xe buýt có tổng kinh phí được xã hội hóa là 50 triệu đồng.
Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện có hệ thống điểm chờ xe buýt văn minh từ nguồn kinh phí được xã hội hóa của Hội Cựu chiến binh, được sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.
Việc làm ý nghĩa của Hội Cựu chiến binh xã Đại Áng vừa góp phần xây dựng đô thị văn minh, đáp ứng yêu cầu theo tình hình mới vừa giúp người dân thuận tiện hơn khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời khẳng định ý chí, bản lĩnh của những người lính Cụ Hồ, luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trên mọi mặt trận, với những việc làm cụ thể, thiết thực cùng cả hệ thống chính trị xã góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ tịch Hội Nguyễn Văn An cũng tự hào cho biết, đây là công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Kết quả từ mô hình dân vận khéo
Được biết, hệ thống điểm chờ xe buýt văn minh của Hội Cựu chiến binh xã Đại Áng là một trong những mô hình hay thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo".
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, 15 năm qua, huyện Thanh Trì đã để lại những dấu ấn đổi mới trong công tác dân vận, phong trào thi đua xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn. Qua đó, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện.
Công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2024).
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, từ năm 2009 đến nay, huyện và các xã, thị trấn xây dựng được 2.454 điển hình “Dân vận khéo” trong đó, có 2.399 tập thể, 376 cá nhân. Trong đó, có nhiều điển hình có giá trị về kinh tế, văn hóa - xã hội, ý nghĩa chính trị, có sức lan tỏa đã và đang được các địa phương trong huyện học tập.
Từ việc thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo đã phát hiện, nhân rộng nhiều tấm gương điển hình, nhiều mô hình cách làm hay, sáng tạo. Điển hình như mô hình xã hội hóa kè ao, lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường,… toàn huyện đã kè được 58 ao hồ, số tiền xã hội hóa 18 tỷ đồng; trồng trên 20 nghìn cây xanh, số tiền xã hội hóa trên 4 tỷ đồng; lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao tại 62 điểm vui chơi cộng cộng, số tiền xã hội hóa trên 3 tỷ đồng.
Mô hình xã hội hóa lắp đặt camera an ninh tại các tuyến đường giao thông thôn, xóm - toàn huyện đã lắp đặt đc 454 camera, số tiền xã hội hoa trên 1,5 tỷ đồng. Mô hình tổ liên gia phòng cháy chữa cháy và lắp đặt tủ phòng cháy chữa cháy tại các ngõ trong khu dân cư; toàn huyện đã lắp đặt 900 tủ, số tiền xã hội hóa trên 1,2 tỷ đồng. Thành lập trên 160 tổ liên gia phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, năm 2024, toàn huyện có 156/261 mô hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng, đạt tỷ lệ 98%. Nhiều điển hình có giá trị về kinh tế, ý nghĩa chính trị, có sức lan tỏa đã và đang được các địa phương trong huyện học tập như: xã hội hóa nâng cấp, mở rộng đường làng ngõ xóm; xây dựng cải tạo các công trình phúc lợi công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng, xây dựng tuyến đường hoa kiểu mẫu; xây dựng cải tạo nhà văn hóa; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; xây dựng xã an toàn về an ninh nông thôn;…
Công tác dân vận khéo còn giúp vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc; duy trì và phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ; xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa.
Bảo Thoa