Phát huy nguồn lực tài sản công trong phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy nguồn lực tài sản công trong phát triển kinh tế - xã hội
một ngày trướcBài gốc
Phát huy tối đa nguồn lực từ tài sản công phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu
Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện
Từ năm 2007, khi thảo luận về dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (TSNN), các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc lãng phí trong sử dụng, quản lý. Hàng loạt các dẫn chứng trong lãng phí TSNN lúc đó đã được các đại biểu đưa ra như đất công bị “xẻ thịt”, biến tướng, sử dụng không đúng mục đích; nhiều trụ sở cơ quan không sử dụng hết, cho thuê bừa bãi hoặc để không, trong khi nhiều cơ quan, đơn vị lại phải đi thuê trụ sở.... Để đưa đất nước phát triển, việc cần thiết và cấp bách là phải chấm dứt được tình trạng lãng phí này.
Kết quả kiểm kê tài sản công là căn cứ để ra các quyết định về quản lý
Từ 0h ngày 1/1/2025, cả nước bước vào cuộc tổng kiểm kê tài sản công. Kết quả kiểm kê sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các số liệu, thông tin, kết quả của tổng kiểm kê được sử dụng để xây dựng chiến lược, kế hoạch và là căn cứ để ra các quyết định về quản lý đối với tài sản công.
Luật Quản lý và sử dụng TSNN năm 2008 đã được ban hành. Đây là văn bản pháp luật cao nhất lần đầu tiên tại Việt Nam về quản lý, sử dụng TSNN, cùng với đó là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật đã đưa quy mô tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao và các hoạt động sự nghiệp khác đã tăng lên đáng kể. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng TSNN dần được khắc phục.
Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Tại Điều 53 Hiến pháp quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công (TSC) thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Đây là lần đầu tiên chế định về TSC được hiến định, xác định cụ thể phạm vi TSC của quốc gia, chế độ sở hữu và trách nhiệm trong việc quản lý đối với TSC.
Qua những bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSNN, đồng thời để cụ thể hóa phạm vi TSC theo Điều 53 Hiến pháp, Bộ Tài chính đã dự thảo Luật Quản lý, sử dụng TSC trình Chính phủ trình Quốc hội. Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng TSC thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng TSNN năm 2008.
Tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực từ tài sản công
Luật Quản lý, sử dụng TSC cùng một số văn bản hướng dẫn Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng TSC. Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ đã đưa ra tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương là 83.087 tỷ đồng. Trong tổng số tiền tiết kiệm này có sự đóng góp quan trọng từ quản lý, sử dụng TSC hiệu quả.
Tuy nhiên, do sự biến động nhanh, khó lường của kinh tế - chính trị thế giới tác động đến nền kinh tế Việt Nam nên yêu cầu về việc quản lý, sử dụng TSC cũng có sự thay đổi dẫn đến một số quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh mới. Do đó, Luật Quản lý, sử dụng TSC tiếp tục được đề xuất sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã - hội mới của đất nước.
Ngày 20/12/2024, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật được Quốc hội khóa XV thông qua, trong đó có Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách. Luật Quản lý, sử dụng TSC nằm trong số 9 Luật này.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý, sử dụng TSC đã được sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định giúp cho công tác quản lý, sử dụng TSC hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực từ TSC để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Luật đã sửa đổi, chuyển từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC.
“Việc sửa đổi từ cơ chế phân cấp trong quản lý, sử dụng TSC sang cơ chế phân quyền góp phần làm tăng tính chủ động cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh trong việc quy định thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC. Qua đó thúc đẩy việc quản lý, khai thác, xử lý TSC có hiệu quả, huy động tối đa nguồn lực từ TSC để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội…” – ông Thịnh cho biết.
Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, cùng với Nghị định số 114/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC (có hiệu lực từ ngày 30/10/2024) với nhiều quy định quan trọng đã được điều chỉnh, sửa đổi được kỳ vọng không chỉ tránh được sự chồng chéo với các luật khác, mà còn giúp việc quản lý, sử dụng TSC ngày càng chặt chẽ hơn. Đặc biệt với nền tảng vững chắc pháp lý này giúp ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong quản lý TSC, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ kiểm kê tài sản công
Ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Tổng kiểm kê nhằm giúp nắm được thực trạng của tài sản, đánh giá công tác hạch toán, sử dụng của các đơn vị để khai thác tốt hơn tài sản công với vai trò nguồn lực của Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị lớn của Bộ Tài chính và của các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và 2025 để thực hiện chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.
Vân Hà
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-huy-nguon-luc-tai-san-cong-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-168654-168654.html