Mô hình đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh tư liệu
Cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước
Tại buổi tọa đàm về “Đường sắt tốc độ cao - cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” do báo Giao thông tổ chức mới đây, ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đây là dự án rất lớn và có nguồn vốn đặc biệt lớn, chưa từng có tại Việt Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật
Trên thực tế, dự án đường sắt tốc độ cao đó là nguồn nhân lực khi tính toán dự án đường sắt tốc độ cao sẽ cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn.
Khẳng định quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu; công nghiệp đường sắt,… ông Phương đặt vấn đề chính sách đã có thì sự sẵn sàng của doanh nghiệp thế nào? Nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ thì đương nhiên sẽ tham gia.
Nghiên cứu của tư vấn đã chỉ ra, với giá trị vốn đầu tư hợp phần xây lắp hạ tầng khoảng 33 tỷ USD, cùng đó là các hợp phần về hệ thống điều khiển, hệ thống cấp điện, phương tiện… Đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Cũng tại buổi tọa đàm, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị thi công nhiều gói thầu tại dự án Cao tốc Bắc - Nam nhận định, đây là cơ hội rất lớn của Tổng công ty Trường Sơn và các nhà thầu Việt. Tuy nhiên, phải chuẩn bị kỹ lưỡng nếu không doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải có sự phối hợp với nhau. Gần đây, các doanh nghiệp xây lắp Việt đã có có hỗ trợ tương tác tốt với nhau. Vì vây, cần phát huy khi thực hiện đường sắt tốc độ cao và hệ thống đường sắt khác.
“Hiện nay thiết bị nhà thầu Việt đáp ứng yêu cầu, nhưng khi làm hạng mục công trình đường sắt tốc độ cao đòi hỏi công nghệ mới hơn và kỷ luật hơn, đặc biệt là tính chính xác của máy móc, nếu có sự hỗ trợ chính sách của Đảng, Nhà nước thì nhà thầu xây lắp Việt có thể tự hoàn thành các hạng mục” - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật
Ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) nhìn nhận, trong 2 năm tới để khởi động thi công, không thể lao vào đào tạo nhân lực mà cần tìm giải pháp thông qua nhập khẩu lao động, nhập khẩu kỹ sư. Việc đào tạo dành cho chiến lược dài hơi trong 5 năm tới.
Cũng tại buổi tọa đàm, Đại tá Phan Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng phát biểu, một trong những điểm vướng mắc nhất khi thi công các dự án là công tác giải phóng mặt bằng, vì vây, đề xuất trong bước thiết kế, nếu đã có quy hoạch đề nghị thu hồi ngay mặt bằng. Nếu có đầy đủ hành lang pháp lý thì công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ được triển khai nhanh hơn. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khi triển khai.
Liên quan đến vấn đề tài chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng miền Trung Trần Cao Sơn phân vân khi doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn để tham gia, vậy liệu có được cơ chế chính sách nào để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khi chưa biết trước mắt thắng, thua như thế nào? có ưu đãi gì để dễ dàng thực hiện dự án này hơn. Từ đó, ông Sơn cho rằng Nhà nước cần cơ chế tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị, cần xem xét ban hành sớm các tiêu chuẩn ngành, khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, thi công để tạo ra hành lang pháp lý sau này từ đầu tư, thiết kế, thi công đến phê duyệt./.
Trí Dũng