Phát huy thế mạnh chăn nuôi ở Quang Sơn

Phát huy thế mạnh chăn nuôi ở Quang Sơn
5 giờ trướcBài gốc
Tận dụng thế mạnh về điều kiện đất đai, xã Quang Sơn (Lập Thạch) định hướng người dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi phù hợp với thực tế và nhu cầu của thị trường. Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Mô hình nuôi hươu lấy nhung của HTX chăn nuôi hươu Việt Hùng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi ong ở vùng núi Quang Sơn, từ quy mô nuôi 5 - 7 đàn ong, đến nay, số lượng đàn ong được ông Trần Quốc Tuấn, thôn Ba Trung, xã Quang Sơn nuôi đã lên tới gần 100 đàn ong giống, hơn 200 đàn ong mật.
Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất mật ong của ông Tuấn cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 lít mật ong. Ngoài thị trường trong nước, mật ong còn được xuất bán sang thị trường Trung Quốc với giá thu mua 450 nghìn đồng/lít.
Ông Tuấn cho biết: Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2019, tôi quyết định xây dựng thương hiệu “Mật ong Quốc Tuấn - Quà tặng từ thiên nhiên” để sản xuất mật ong theo hướng hàng hóa, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với việc tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP trong nuôi và sản xuất mật ong, hiện nay, các sản phẩm mật ong của cơ sở được đóng chai từ 0,5 - 1 lít, dán nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc.
Năm 2024, sản phẩm “Mật ong Quốc Tuấn - Quà tặng từ thiên nhiên” đã được UBND huyện Lập Thạch chứng nhận là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Quang Sơn, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Đây vừa là vinh dự, cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cách cơ sở nuôi ong mật của gia đình ông Tuấn khoảng 1 km về phía thôn Cầu Dưới là trang trại chăn nuôi hươu của anh Đỗ Mạnh Hùng. Nhận thấy tiềm năng của địa phương và nhu cầu của thị trường về nhung hươu, năm 2023, anh Hùng thành lập HTX chăn nuôi hươu Việt Hùng gồm 5 thành viên. Với hiệu quả kinh tế mang lại, đến nay, số lượng thành viên HTX đã tăng lên con số 12 với tổng đàn hươu hơn 200 con.
Theo Giám đốc HTX chăn nuôi hươu Việt Hùng Đỗ Mạnh Hùng, hươu là loài vật dễ nuôi, song cần nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, có sẵn mà ở xã Quang Sơn lại hoàn toàn phù hợp khi có diện tích đồi, rừng lớn.
Với nhu cầu cao của thị trường về sản phẩm nhung hươu, năm 2024, số lượng nhung hươu xuất bán của HTX tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt hơn 80kg. Với giá thu mua nhung hươu hiện tại khoảng 18 triệu đồng/kg, trung bình mỗi năm, mỗi thành viên HTX có thể thu lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, HTX đang chuẩn hóa quy trình nuôi hươu lấy nhung theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP trong năm 2025.
Nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm mật ong của cơ sở sản xuất Trần Quốc Tuấn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Toàn xã Quang Sơn hiện có khoảng 40 trang trại, gia trại chăn nuôi và hơn 1.200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Năm 2024, giá trị sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi của xã Quang Sơn đạt hơn 156 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 76 triệu đồng, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn Bùi Xuân Hưởng cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ đều xác định chăn nuôi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, xã định hướng, hỗ trợ người dân đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi phù hợp với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, ngoài các loại gia súc, gia cầm phổ biến, nông dân trên địa bàn xã đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như ong, hươu, nhím… Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hình thành vùng sản xuất tập trung, hướng đến liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, năm 2012, xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại thôn Kiên Đình, quy mô 10 ha”.
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng mũi nhọn, xã Quang Sơn tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi, nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hướng đến sản xuất các sản phẩm chăn nuôi thế mạnh, đặc trưng của địa phương.
Tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập.
Đồng thời vận động di dời các hộ chăn nuôi từ khu dân cư ra khu chăn nuôi tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.
Hoàng Sơn
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/121247//phat-huy-the-manh-chan-nuoi-o-quang-son