Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay. Hội thảo này có vai trò rất quan trọng, nhằm nhận diện đầy đủ và phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, địa phương các tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới trên nguyên tắc thống nhất, liên thông, kết nối, cộng hưởng sức mạnh, phân công và hợp tác lãnh thổ. Từ đó, xác định định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực gắn với quy hoạch không gian, vùng động lực phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.
Hội thảo đã nhận được tham luận của 50 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Nội dung các bài tham luận đều được nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, có chiều sâu với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, đặt trong mối tương quan tổng thể với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đại biểu tập trung tham luận về 3 vấn đề chính gồm: Nhận diện tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, địa phương của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; Định hướng phát triển và định hướng không gian phát triển vùng động lực theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn, sau sát nhập, tỉnh Ninh Bình mới sở hữu những tiềm năng và lợi thế cạnh tranh riêng có, được hình thành từ sự tổng hòa các yếu tố kinh tế - văn hóa xã hội và các nguồn lực. Không gian phát triển mới sau sáp nhập có diện tích tự nhiên khoảng 3.942,61 km2, quy mô dân số hơn 4,4 triệu người (lớn thứ 6 cả nước nếu tính theo các tỉnh hiện nay).
Tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược, là "cửa ngõ" phía nam Đồng bằng Bắc bộ, thuộc hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ và hành lang kinh tế Đông - Tây (gồm: Quốc lộ 21 và trục Nam Định - Lạc Quần; Quốc lộ 12B và trục Nho Quan - Kim Sơn). Với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình hội tụ nhiều tầng giá trị, được biết đến là những địa phương có nhiều di sản văn hóa lịch sử, danh thắng thiên nhiên, lễ hội truyền thống và sản phẩm du lịch đặc sắc, với gần 5.000 di tích các loại đã được kiểm kê, trong đó có 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á) và 1 di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO ghi danh.
Ông Đặng Khánh Toàn kỳ vọng các đại biểu phân tích, đánh giá từ các góc nhìn mới, đề xuất giải pháp mạnh mẽ, đột phá để tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc, xây dựng các cơ chế, chính sách, gợi mở cho tỉnh những định hướng, định vị không gian phát triển; đề xuất những mô hình phát triển kinh tế mới theo hướng đa ngành, đa trung tâm, bền vững, với các trụ cột.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập cần có giải pháp, cơ chế chính sách như thế nào để có thể huy động tổng thể các nguồn lực gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực này; phân tích, làm rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, định hình nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao mức sống và chất lượng sống khu vực nông thôn tiệm cận đô thị, nhất là khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu; đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông thôn sang khu vực phi nông nghiệp; gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao với bảo tồn bản sắc truyền thống của nền văn minh Đồng bằng sông Hồng.
Những phân tích, đánh giá và đề xuất của các chuyên gia sẽ góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển trong giai đoạn mới - một Ninh Bình xanh, hiện đại, đáng sống và vươn tầm.
Hải Yến (TTXVN)