Toàn cảnh buổi trao đổi. - (Ảnh: VOV)
Kỷ nguyên mới là thời điểm mở đầu gắn với một sự kiện trọng đại có ảnh hưởng lớn đến các giai đoạn phát triển tiếp theo (của một lĩnh vực, cộng đồng... hay của quốc gia, nhân loại).
“Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh". Theo Tổng Bí thư, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Như chúng ta đã biết, lịch sử dân tộc Việt Nam là quá trình dựng nước đi đôi với giữ nước, đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Từ khi có Đảng lãnh đạo, lịch sử hào hùng của dân tộc ta được tiếp nối bằng những mốc son chói lọi với biết bao chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài”, nạn đói hoành hành, khó khăn chất chồng, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén, sáng suốt, bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên. Đứng vững trên nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng đã đề ra sách lược ngoại giao mềm dẻo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm của lịch sử nhằm phân hóa kẻ thù, loại trừ từng bước các thế lực thù địch, phản động, tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng cách mạng.
Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới và khi kẻ thù đã buộc chúng ta phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc thì nhân dân ta không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Trước yêu cầu bức thiết của lịch sử, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp tại Vạn Phúc, Hà Đông do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì; quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước; đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến chống Pháp xâm lược là kháng chiến lâu dài. Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”
Toàn văn Lời kêu gọi chỉ có 19 dòng, 199 từ ngắn gọn và súc tích, nhưng đã thể hiện những quan điểm cốt lõi của Người về kháng chiến toàn dân cũng như mệnh lệnh của non sông, thôi thúc cả dân tộc chung sức, đồng lòng vùng dậy quyết chiến, quyết thắng quân Pháp xâm lược: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.(1)
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường của nhân dân ta; thôi thúc cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước ta với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu là cuộc chiến đấu của quân và dân thủ đô Hà Nội. Cùng với quân dân Thủ đô, quân dân các địa phương trong cả nước đã chiến đấu ngoan cường, giam chân địch. Đường lối kháng chiến của Đảng ta xác định ngay từ đầu là chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Nhờ có sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước: Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Thành công của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến và cuộc kháng chiến chống Pháp là nhân tố quan trọng, tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về lãnh đạo cách mạng và chiến tranh nhân dân có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong đó, trước hết phải kể đến đó là đề ra được đường lối đúng đắn và quán triệt thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; hai là khơi dậy được tinh thần đoàn kết toàn dân kháng chiến và đoàn kết với nhân dân hai nước Lào, Cam-pu-chia, với nhân dân Pháp và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới để dấy lên phong trào chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa trên thế giới; ba là thực hiện tốt phương châm vừa kháng chiến, vừa xây dựng chế độ mới, xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh; bốn là sự chủ động đề ra và thực hiện phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự sáng tạo, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, phối hợp nhịp nhàng giữa các chiến trường; năm là toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng... đều phải là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Kể từ ngày đó cho đến nay, những bài học về phát huy sức mạnh toàn quốc kháng chiến, kháng chiến toàn dân, toàn diện vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, gần 40 năm qua thực hiện công cuộc đổi mới, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cho phép đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.
Hiện nay thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình góp phần cùng toàn Đoàn, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.
Trước tình hình trên, để tiếp tục phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nhận thức sâu sắc tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới; phát huy cao độ quyết tâm chính trị, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải tiếp tục quán triệt, nắm vững và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
V.I. Lênin từng nhấn mạnh: Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp chính nghĩa, có tính chất toàn dân, toàn diện. Cho nên, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt quan điểm: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”(2). Quân đội nhân dân là quân đội của dân, do dân, vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, quân đội là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong 80 năm qua, quân đội nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Quân đội cũng đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường ổn định cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, quân đội đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những biện pháp xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 chức năng của mình trong 2 kỷ nguyên là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất.
Mặc dù thời gian đã lùi xa gần 80 năm, nhưng cứ vào mỗi dịp này chúng ta không khỏi tự hào bởi giá trị lịch sử và giá trị hiện thực sâu sắc của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã để lại nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Ôn lại tinh thần toàn quốc kháng chiến, tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, phát huy nội lực, ý chí quyết chiến, quyết thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nêu cao lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đến những đỉnh cao thắng lợi mới để vươn tới "Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, đó là một kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo cầm quyền của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là nguyện vọng của Bác Hồ, của nhân dân đã được Đảng ta ghi vào dự thảo nghị quyết, chúng ta phải phấn đấu nhanh lên để đạt được mục tiêu này và nhiều mục tiêu khác"(3) - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
ThS. Nguyễn Thị Phương
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
---------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, tập 4, tr. 480
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2016, tr.78-79
(3) Tổng Bí thư Tô Lâm: Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet ngày 25/11/2024