Trước đó, ngày 26-4, UBND TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp cũng đã tổ chức lễ khởi công dự án cải tạo, sửa chữa Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ. Đây là công trình thể thao lớn nhất được xây dựng mới và cũng là công trình thể thao duy nhất trong số 50 công trình/cụm công trình xây dựng tiêu biểu của TPHCM trong 50 năm xây dựng, phát triển (1975-2025).
Công trình được khánh thành năm 2002 để phục vụ cho việc tổ chức SEA Games 2003 nhưng đến nay, nơi đây đã xuống cấp nhiều, không thể đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế. Ngân sách dành cho đợt sửa chữa lớn này lên đến hơn 200 tỷ đồng với kỳ vọng sẽ giúp Nhà thi đấu Phú Thọ lấy lại đẳng cấp và vị thế của mình.
Việc thành phố duyệt chi các khoản ngân sách lớn để cải tạo Nhà thi đấu Phú Thọ cũng như sân vận động Thống Nhất cho thấy khao khát vươn tầm vẫn đang “cháy” trong trái tim những người làm thể thao thành phố.
Trên thực tế, dù có phần sa sút về thành tích so với thời hoàng kim, gặp khó khăn về cơ sở vật chất nhưng thể thao TPHCM vẫn đi đầu ở các khía cạnh tổ chức sự kiện, phát triển các môn thể thao đô thị có hàm lượng công nghệ cao; vẫn duy trì những giải đấu, sự kiện có tuổi đời vài chục năm. Tinh thần tiên phong, vượt khó chính là nền tảng quan trọng để thể thao TPHCM có thể lấy lại vị thế dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, thách thức là không nhỏ. Câu chuyện về Nhà thi đấu Phú Thọ là ví dụ. Có vị trí tuyệt đẹp giữa lòng thành phố, không gian đặc thù khi là một phần của Trường đua Phú Thọ cũ, liền kề với trung tâm bơi lội Phú Thọ, sân Thống Nhất…
Nhà thi đấu Phú Thọ từng được kỳ vọng trở thành điểm đến của các sự kiện quốc tế không chỉ trong lĩnh vực thể thao nhờ thuận lợi về vị trí, không gian và khả năng liên kết hạ tầng. Nhưng, hoạt động thường xuyên nhất tại đây là các hội chợ trong nước, số lượng các giải đấu quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay, công suất khai thác còn hạn chế so với tiềm năng.
Những bài học từ Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines)… cho thấy nhu cầu xây dựng công trình mới là một chuyện nhưng khai thác và tận dụng tốt những gì có sẵn thậm chí còn quan trọng hơn. Để trở thành điểm đến cho những sự kiện quốc tế, công nghệ tổ chức và năng lực quảng bá mới là các yếu tố để thuyết phục các đối tác, nhà đầu tư.
Ở Olympic Paris 2024, người Pháp không xây mới địa điểm thi đấu, không tập trung ở khu liên hợp quy mô mà tận dụng tối đa các không gian đô thị gắn liền văn hóa - du lịch và sử dụng các công trình lắp ghép ngắn hạn. Với thể thao TPHCM, việc làm sao để các giải đấu quốc gia, quốc tế đến gần hơn với khán giả, khai thác tốt các công năng của cơ sở vật chất, đó chính là tiền đề cho mục tiêu trở thành điểm đến của các sự kiện đẳng cấp.
ĐĂNG LINH