Phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường

Phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường
5 giờ trướcBài gốc
Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học và làm theo tư tưởng của Bác đã tạo sức bật mạnh mẽ đưa đất nước vững bước vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên phát triển, Kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Người và ước vọng của toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, ngày 16/11/1959. Ảnh tư liệu
Tư tưởng nhất quán của vị lãnh tụ
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết cho tự chủ, tự lực, tự cường. Trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam càng phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tinh thần bảo đảm và phát huy các quyền dân tộc cơ bản, sánh vai với các cường quốc năm châu, phát triển vì một thế giới hòa bình, dân chủ, tiến bộ. Đó cũng là mong muốn của Bác Hồ và khát vọng cháy bỏng của Nhân dân vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, tất cả những gì tôi hiểu”, hoặc điều “cần nhất trên đời là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”, hoặc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”… là những mệnh đề trong các cụm/câu nổi tiếng của Bác. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập tự chủ không có nghĩa là đứng một mình, là cô độc, là không “chơi” với ai và không cho ai “chơi” với mình.
Ngược lại, Bác có quan điểm quảng giao trong quan hệ đối ngoại. Tháng 9/1947, trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ S.Elie Maissie, phóng viên hãng tin Mỹ International New service, Bác tuyên bố một cách khái quát chính sách đối ngoại của Việt Nam là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Cái gốc của sự phát triển, triết lý phát triển của Bác còn là ở tinh thần quốc tế: “Lọ là thân thích ruột rà/Công nông thế giới đều là anh em” và rộng hơn nữa, Bác còn nêu quan điểm “Tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”.
Trong thư gửi Liên Hợp quốc năm 1948, Bác đã nêu chủ trương mở rộng các cảng biển, đường sá, kho tàng để mời các nước đầu tư kinh tế vào Việt Nam. Bác đã xin Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc, nhưng rất đáng tiếc không được đáp ứng. Tất cả đều nói lên một điều rằng, sự mong muốn hợp tác quốc tế của cách mạng là quan điểm nhất quán muốn tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản và các bên đều có lợi.
Thời gian là thứ thuốc hiện hình của lịch sử và thực chứng là một phương pháp hữu hiệu minh chứng đúng, sai. Trong gần 80 năm qua, kể từ khi đất nước độc lập, trong các bước phát triển, chúng ta đều thể hiện tinh thần nội lực là có tính quyết định; ngoại lực là yếu tố quan trọng và ngoại lực phải biến thành nội lực.
Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường giai đoạn hiện nay
Việt Nam đang ở vào thời kỳ hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh toàn cầu hóa. Sự chuyển biến của tình hình thế giới làm nảy sinh các mối quan hệ đa dạng hơn trước đây: vừa song phương, vừa đa phương. Điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước, là một cộng đồng có trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.
Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng và các bên cùng có lợi; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác với các nước, tích cực ủng hộ và góp phần vào công cuộc đấu tranh chung của Nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Việt Nam là một thực thể đặc biệt trong quan hệ quốc tế hiện nay. Nói “đặc biệt” là bởi Việt Nam là một quốc gia nằm trong số ít theo chế độ cộng sản và được hầu hết các nước công nhận quan hệ ngoại giao. Cho đến thời điểm đầu năm 2025, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Coi sức mạnh nội lực có tính quyết định, ngoại lực là quan trọng, biến ngoại lực thành nội lực. Chính là nội lực chứ không phải là yếu tố nào khác, đã làm cho Việt Nam có được vị thế như hiện nay. Trong thời kỳ sắp tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang phấn đấu thực hiện thật tốt nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Trong giai đoạn mới, sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại càng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về bảo đảm sức mạnh nội lực. Yếu tố bên trong có tính chất quyết định nhất. Mọi sức mạnh bên ngoài, dù có cao đến mấy, nhưng bên trong yếu thì không thể có sức mạnh tổng hợp tốt được. Nhưng, sức mạnh dân tộc và thời đại không thể kết hợp được với nhau nếu chủ thể là hệ thống chính trị, hạt nhân lãnh đạo là Đảng, nếu con người Việt Nam không đáp ứng yêu cầu làm chủ thể tạo nên sức mạnh.
Do đó, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng lãnh đạo, cầm quyền, pháp luật của Nhà nước, chính sách quốc gia của Chính phủ..., con người Việt Nam trong điều kiện mới lại là những nhân tố chủ thể mang tính quyết định. Điều này dẫn đến hệ quả theo logic: hệ thống chính trị, trong đó có Đảng cầm quyền phải có tâm, có tầm, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; con người Việt Nam phải là con người đứng vào hàng ngũ những người tiên tiến của thời đại.
Các thời kỳ, giai đoạn sắp tới đòi hỏi những chủ thể trong hệ thống chính trị, đặc biệt là Đảng, phải chú ý đến tính phong phú trong các hình thức tập hợp lực lượng cách mạng. Tất cả các hình thức đó đều có tính hướng đích, như tập trung duy nhất vào một vectơ lực, hướng tới mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, một đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhằm thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” của Bác trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Năm 2025 là một năm đặc biệt, diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, kỷ niệm 95 năm lịch sử quang vinh của Đảng, 80 năm ngày độc lập và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; là thời điểm sau 40 năm đổi mới, với những thành tựu vĩ đại đạt được, với thế và lực đã tích lũy, với thời cơ vận hội mới, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để vững bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng của Bác cũng góp phần chuẩn bị một cách tích cực nhất để bước vào một Kỷ nguyên phát triển mới - phát triển đạt tới những mục tiêu đề ra, đáp ứng lòng mong mỏi của Bác Hồ và thể hiện sự khát khao cháy bỏng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa dân tộc Việt Nam đến đài vinh quang của một dân tộc phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
n GS.TS Mạch Quang Thắng - nguyên Giảng viên Cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/phat-huy-tinh-than-tu-chu-tu-tin-tu-luc-tu-cuong.html