Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc

Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc
một ngày trướcBài gốc
Bùi Đức Hinh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc (CTDT) và đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tình cảm và tấm lòng của Người có sức động viên to lớn đối với đồng bào các dân tộc. Và chính Người cũng đã nêu một tấm gương sáng về đoàn kết, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trải nghiệm văn hóa Chiêng Mường Hòa Bình tại lễ khởi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Ảnh: P.V
Trong tư tưởng của Người luôn nhất quán quan điểm rõ ràng, trước sau như một: "Nước ta là một đất nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp… Chính sách dân tộc (CSDT) của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Đảng và Nhà nước ta đã cụ thể hóa tư tưởng của Người trong hoạch định chính sách và thực thi chính sách về CTDT phù hợp ở từng thời kỳ, giai đoạn; ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Đến Đại hội XIII năm 2021, Đảng ta đã khẳng định chủ trương về vấn đề dân tộc, CTDT cho giai đoạn 2021 - 2025, đó là: "Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các CSDT trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của ĐBDTTS. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho ĐBDTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS &MN) giai đoạn 2021 - 2030. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số (DTTS) có dưới 10.000 người, đặc biệt là những DTTS có nguy cơ suy giảm giống nòi”. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019 - 2024, nhiều CSDT, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các CTMTQG đồng loạt được triển khai nhằm cải thiện đời sống người dân vùng ĐBDTTS&MN.
Hòa Bình có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa và giàu truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường; là tỉnh có đông ĐBDTTS cùng chung sống, chiếm 74,31% dân số, trong đó có nhiều DTTS cư trú lâu đời, sinh sống tập trung theo cộng đồng ở các xã, thị trấn thuộc vùng DTTS&MN, thôn đặc biệt khó khăn. Qua các thời kỳ, đồng bào các dân tộc tỉnh đã đoàn kết, "một lòng một dạ” tin theo Đảng, Bác Hồ và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hòa Bình có Chiến khu Mường Khói, huyện Lạc Sơn và 3 khu căn cứ cách mạng (Thạch Yên huyện Cao Phong, Mường Diềm và Giằng Xèo huyện Đà Bắc), đã nuôi dưỡng cán bộ tiền khởi nghĩa trong quá trình hoạt động cách mạng, đều thuộc vùng ĐBDTTS. Nhiều người con ưu tú của đồng bào các DTTS của tỉnh đã chiến đấu hy sinh anh dũng, nhiều cán bộ, chiến sỹ, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ; một số phong trào cách mạng đã được lịch sử ghi nhận và được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương công nhận và trao tặng các danh hiệu cao quý.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về CTDT, đổi mới công tác vận động Nhân dân và thực hiện tốt CSDT của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự phấn đấu vươn lên của đồng bào các DTTS. Đến nay, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực phát triển KT-XH, đặc biệt là trong CTDT, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Tình hình KT-XH, an ninh - quốc phòng, củng cố, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; diện mạo nông thôn vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc.
Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng DTTS được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đến nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 95,7%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,9%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 96%; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%...
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố, mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu học tập của con em ĐBDTTS. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng. Nhiều lễ hội truyền thống đã được phục dựng; gìn giữ được nhiều mô hình làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc từng bước trở thành nguồn lực cho phát triển KT-XH, nhất là phát triển du lịch; bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc cùng với các di tích, di chỉ khảo cổ, hiện vật của nền Văn hóa Hòa Bình là điều kiện cốt lõi để tỉnh xây dựng môi trường du lịch bền vững, từng bước tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch Hòa Bình thời gian tới.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS được chú trọng, nhiều cán bộ người DTTS của tỉnh đã và đang giữ các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương và lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay hầu hết các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở đều có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là người DTTS.
Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Hòa Bình khởi công xây dựng nhà cho hộ khó khăn tại lễ phát động xóa nhà tạm, nhàdột nát được tổ chức tại huyện Đà Bắc, tháng 4/2024. Ảnh: H.D.
Bên cạnh những thành tích, CTDT của tỉnh vẫn còn khó khăn, hạn chế cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, đó là: Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng ĐBDTTS &MN vẫn còn cao và có sự chênh lệch với khu vực khác; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập của ĐBDTTS ở nông thôn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Một số tập tục lạc hậu chưa được cải tạo triệt để; kết cấu hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng, song chưa đồng bộ, một số nơi đã xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH…
Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và đan xen nhiều khó khăn, thách thức, để thực hiện có hiệu quả CTDT trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào các DTTS trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về CTDT, trọng tâm là Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về CTDT trong tình hình mới, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030, Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”, giai đoạn 2023 - 2030 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệmcủa các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của CTDT, tầm quan trọng của vùng ĐBDTTS và khu vực miền núi đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Hai là, thực hiện tốt các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là 3 CTMTQG. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương với nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn khác. Huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH vùng miền núi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng các dự án phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, các công trình phục vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng các trạm theo dõi, cảnh báo thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại và bảo đảm an toàn, ổn định cho vùng đồng bào dân tộc miền núi. Cải thiện điều kiện sinh kế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuât để phát triển sản xuất.
Ba là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng mới các quy hoạch vùng dân tộc miền núi, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và kết nối đồng bộ với vùng phụ cận, làm cơ sở để thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực cho phát triển KT-XH và thực hiện các mục tiêu chiến lược của CTDT trong thời kỳ mới.
Bốn là, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm CTDT. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên trong ĐBDTTS; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp Nhân dân.
Năm là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; làm tốt công tác nắm tình hình và chủ động kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến an ninh trật tự, nhất là việc phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, kiên quyết không để hình thành các "điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh.
Sáu là, đổi mới nội dung, phương thức triển khai, thực hiện CTDT phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; phổ biến, giới thiệu các mô hình tốt, kinh nghiệm hay để áp dụng và nhân rộng trên địa bàn các xã, thôn vùng ĐBDTTS&MN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Lai hay Ê đê, Xê đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói có nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Thực hiện lời dạy của Bác, chúng ta tin tưởng rằng, đồng bào các DTTS đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nhà luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phồn thịnh.
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/11/195460/phat-huy-truyen-thong,-suc-manh-dai-doan-ket-cac-dan-toc.htm