Sắc thuốc đông y điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y, dược cổ truyền Hưng Yên
Lấy sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu trong hoạt động khám, chữa bệnh, từ nhiều năm nay, ngành y tế phát động phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" tới toàn thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế. Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiệm vụ, việc làm của mỗi cán bộ, nhân viên y tế; phát động phong trào xây dựng cơ quan, công sở văn minh, cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp - an toàn... Với chức năng của bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh, Bệnh viện Y, dược cổ truyền Hưng Yên tích cực nghiên cứu, học tập để kế thừa tinh hoa y thuật mà Đại danh y Lê Hữu Trác để lại, ứng dụng học thuật trong chữa bệnh, góp phần xây dựng, phát triển nền đông y của tỉnh. Thực hiện phương châm “nam dược trị nam nhân”, bệnh viện bào chế nhiều bài thuốc nam bằng nguồn dược liệu sẵn có trong tỉnh để làm phong phú các bài thuốc quý. Bệnh viện có vườn lưu giữ các giống gen cây thuốc quý với diện tích trên 4,3 nghìn m2; phát triển và kế thừa các bài thuốc cổ phương, bệnh viện tự sản xuất 20 loại thành phẩm y học cổ truyền đem lại hiệu quả cao trong điều trị. Định hướng phát triển “đa khoa y học cổ truyền – phục hồi chức năng”, tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, bệnh viện có bước phát triển vượt bậc về chuyên môn, kỹ thuật, phát huy tối đa hiệu quả của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Trong những năm qua, bệnh viện đã khám và điều trị cho hàng nghìn lượt người, tỉ lệ khỏi và chuyển biến tốt trên 90%. Nhiều bệnh nhân sau khi ra viện đã viết thư cảm ơn, làm thơ tặng các y, bác sĩ, điều dưỡng.
Bệnh nhân Hoàng Thị Xuyên, trú tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị tai biến trong thời gian đến chơi nhà người thân ở Hưng Yên. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng một nửa người không vận động được. Sau 10 ngày điều trị bằng các phương pháp châm cứu, xoa bóp, điện xung, laze nội mạch, tập phục hồi chức năng, sức khỏe của bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, tự đi lại được không cần chống gậy, người hỗ trợ. Bệnh nhân Xuyên cho biết, tôi rất mừng vì sức khỏe ổn định nhanh, được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình, chu đáo, thường xuyên động viên, hỏi thăm ân cần.
Niềm vui, hạnh phúc của mỗi sản phụ là chào đón những đứa con khỏe mạnh chào đời. Tuy nhiên, có nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân dẫn đến những bệnh lý kèm theo như suy hô hấp, tụt đường huyết, nhiễm khuẩn hoặc mắc bệnh bẩm sinh về tim… Bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Khoa sơ sinh (Bệnh viện Sản – nhi Hưng Yên) cho biết, việc chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh non tháng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Một năm bệnh viện có khoảng 300 trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân, trong đó có khoảng 50 trẻ dưới 30 tuần tuổi. Việc chăm sóc hoàn toàn do nhân viên y tế. Xác định người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên cụ thể hóa thông qua các phong trào thi đua “Tích cực rèn luyện y đức, tinh luyện y thuật”; xây dựng người cán bộ y tế với “Nụ cười từ trái tim” có thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực. Các khoa, phòng, bệnh viện có khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Với mục tiêu người dân được tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với dịch vụ y tế, ngoài công tác đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, cảnh quan, bệnh viện chú trọng đào tạo nhân lực nâng cao năng lực chuyên môn. Khoa khám bệnh được coi là “cửa ngõ” của quá trình khám, điều trị, vì vậy, bệnh viện tập trung nhân lực, vật lực vào khu khám bệnh. Ngoài bác sĩ được bố trí ở Khoa khám bệnh phải có trình độ chuyên môn từ sau đại học trở lên, bệnh viện còn phân công trưởng các khoa trực khám vào thứ Bảy, Chủ nhật. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hữu, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên cho biết, bệnh viện thường xuyên chấn chỉnh thái độ, kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế đối với người bệnh, làm tốt tư vấn để người bệnh hiểu về bệnh, từ đó phối hợp trong điều trị. Tổ công tác xã hội của bệnh viện hỗ trợ, hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình đăng ký khám, điều trị bệnh; xây dựng tủ quần áo dành cho người bệnh khó khăn; có tủ sách, tủ truyện dành cho bệnh nhi…
Trong số các bệnh nhân, nhiều người thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh, trong đó có những bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần. Cũng vì thế mà nghề thầy thuốc trở thành một nghề nguy hiểm bởi những nguy cơ tai nạn nghề nghiệp. Vượt lên trên nguy hiểm ấy là tấm lòng của những người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên, đối tượng bệnh nhân nghiện ma túy, bệnh nhân HIV/AIDS, nguy cơ phơi nhiễm cao, nhiều bác sĩ còn bị bệnh nhân đe dọa. Song, đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện luôn mở lòng đón nhận những hoàn cảnh bất hạnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên cho biết, những bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân nghiện ma túy gần như gắn bó cả cuộc đời ở bệnh viện, nhiều bệnh nhân coi bệnh viện như ngôi nhà thứ 2. Có nhiều bệnh nhân mặc cảm, mang nỗi niềm riêng tư, vì vậy người thầy thuốc phải thấu hiểu, động viên để bệnh nhân chia sẻ, hợp tác điều trị...
Phát huy y đức sáng ngời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành y tế tỉnh đang gìn giữ, tiếp nối những di sản mà ông để lại trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.