Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông báo cho biết, dịch vụ ăn uống trong mùa lễ hội đầu xuân xuất hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể thiếu các yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm. Những hình ảnh như thế vừa gây phản cảm, vừa làm mất an toàn.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong khu lễ hội. Yêu cầu phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với mỗi hành vi như bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thực phẩm ăn ngay... Một số hành vi vi phạm nghiêm trọng còn có mức phạt cao hơn. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tăng gấp đôi.
Tiếp cận thông tin này, nhiều người nói rằng xử phạt mạnh tay như thế thì mấy người còn dám làm liều, làm bậy.
Đúng là mức phạt có thể còn cao hơn số tiền người vi phạm kiếm được trong ngày, nhưng câu trả lời là sẽ vẫn còn người vi phạm.
Chúng ta cùng trở lại thời điểm năm 2018, khi đó Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định đã quy định rõ các hành vi vi phạm và mức tiền phạt như Cục An toàn thực phẩm vừa yêu cầu. Như vậy, yêu cầu mà Cục An toàn thực phẩm vừa đưa ra đối với các địa phương hoàn toàn không có gì mới cả, mà chỉ là “lên dây cót” cho một quy định được xem là đã “ngủ quên” trong thời gian qua.
Lẽ ra một quy định nghiêm khắc càng phải được thực hiện nghiêm để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Nhưng rồi vi phạm vẫn cứ nhiều lên, bằng chứng là số vụ vi phạm, mức độ vi phạm năm sau luôn cao hơn năm trước. Có nhiều nguyên nhân khiến số vụ việc gia tăng, trong đó điều quan trọng nhất chính là việc thi hành quy định về xử phạt chưa nghiêm khiến người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhờn luật ngày càng nhiều thêm.
Quy định pháp luật sau khi ban hành, có hiệu lực, đã trở thành một công cụ để quản lý trật tự xã hội. Những cán bộ và cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc thực thi quy định, chứ không nên để đến mức vi phạm xảy ra tràn lan, cơ quan cấp trên đôn đốc, nhắc nhở.
Phải chấm dứt ngay tình trạng “nhờn luật” bằng những chế tài xử phạt mạnh tay xem còn mấy ai dám vi phạm quy định của pháp luật.
Tuệ Minh