Các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Bắc Kinh đã sử dụng ong thợ - tương tự như con ong trong hình - trong nghiên cứu.
Điều khiển não ong bằng xung điện, đạt hiệu quả 90%
Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc biến loài ong trở thành “cỗ máy lai sinh học” bằng cách cấy thiết bị điều khiển vào não của chúng.
Thiết bị, có trọng lượng nhẹ hơn cả một nhúm muối, được gắn trên lưng ong thợ và kết nối với não thông qua các kim nhỏ. Trong các thử nghiệm, thiết bị hoạt động hiệu quả 9/10 lần và những con ong đã tuân theo chỉ dẫn rẽ trái hoặc phải của nhóm nghiên cứu.
Những con ong lai sinh học này có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ cứu hộ hoặc làm trinh sát bí mật trong hoạt động quân sự. Nhờ kích thước nhỏ, chúng có thể len lỏi vào các không gian hẹp mà không gây chú ý.
Giáo sư Zhao Jieliang tại Viện Công nghệ Bắc Kinh là người đứng đầu nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ này.
Hệ thống điều khiển hoạt động bằng cách truyền các xung điện tới thùy thị giác – trung tâm xử lý hình ảnh trong não ong – cho phép nhà nghiên cứu điều hướng đường bay của chúng.
Công trình nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Cơ khí Kỹ thuật Trung Quốc và lần đầu tiên được SCMP đưa tin.
“Robot dựa trên côn trùng thừa hưởng khả năng di chuyển linh hoạt, ngụy trang và thích nghi môi trường vượt trội từ vật chủ sinh học,” Giáo sư Zhao và các đồng nghiệp viết.
Họ cho rằng, so với các robot tổng hợp, chúng có khả năng ẩn mình tốt hơn và thời gian hoạt động lâu hơn, khiến chúng trở nên vô giá trong các hoạt động do thám bí mật như chiến đấu đô thị, chống khủng bố, triệt phá ma túy, cũng như cứu hộ trong thảm họa nghiêm trọng.
Thiết bị có trọng lượng nhẹ hơn một nhúm muối, được buộc vào lưng ong thợ và kết nối với não của côn trùng thông qua những chiếc kim nhỏ.
Giới khoa học toàn cầu chạy đua tạo côn trùng bán máy móc
Nhiều quốc gia khác như Mỹ và Nhật Bản cũng đang chạy đua để phát triển công nghệ côn trùng lai máy móc.
Dù nhóm của ông Zhao đã đạt tiến bộ vượt bậc, vẫn còn một số thách thức kỹ thuật. Pin hiện tại không duy trì hoạt động được lâu, nhưng nếu dùng pin lớn hơn sẽ khiến ong không thể mang nổi do quá nặng.
Bên cạnh đó, mỗi loài côn trùng phản ứng với xung điện ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể, nên không thể dùng cùng một thiết bị cho các loài khác nhau.
Trước đó, thiết bị điều khiển nhẹ nhất từng được phát triển ở Singapore nhưng vẫn nặng gấp 3 lần thiết bị của Trung Quốc.
Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên tạo ra côn trùng người máy. Giới khoa học Nhật Bản từng công bố gián điều khiển từ xa mang “ba lô” chạy bằng năng lượng mặt trời.
Những con gián này có thể tiến vào khu vực nguy hiểm, giám sát môi trường hoặc tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn mà không cần sạc lại.
Gián vẫn sống, nhưng được gắn dây vào 2 “cerci” – bộ phận cảm giác ở cuối bụng – để truyền xung điện, khiến chúng di chuyển theo hướng mong muốn.
Theo Daily Mail
Hải Yến