Phân cấp, phân quyền nhưng phải có cơ chế giám sát
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tham gia góp ý, ĐBQH Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, sửa đổi toàn diện về tổ chức hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, có tác động lớn đến tổ chức bộ máy, hoạt động kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang). Ảnh: Media Quốc hội.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương hai cấp, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện trước đây, tránh bỏ sót, chồng chéo.
Thống nhất cao nội dung phân cấp, phân quyền tại dự thảo, trong đó chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới, tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp tỉnh xuống cấp xã, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề nghị cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ của các cấp chính quyền, cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo đại biểu, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp.
Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, thực tế, trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận, cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến khối lượng công việc của chính quyền cấp xã rất nặng nề.
Từ đó, đại biểu cho rằng cần quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định). Ảnh: Media Quốc hội.
Lo đùn đẩy công việc lên cấp trên
ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho biết, dự thảo đang quy định những vấn đề liên quan từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh, những vấn đề liên quan từ hai đơn vị cấp tỉnh trở lên thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương.
"Tuy nhiên, trên thực tế có tình trạng hai xã giáp nhau nhưng lại thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh, khi có vấn đề liên quan đến nhau, đơn cử như khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở bờ sông xã kia, việc xả thải chất thải chăn nuôi của người dân xã này gây ảnh hưởng đến người dân xã kia… theo quy định tại dự thảo, sẽ phải đưa đến cơ quan Nhà nước giải quyết vì thuộc lãnh thổ hai tỉnh.
Điều này rất phức tạp, gây tốn kém thời gian, nhiều trình tự thủ tục, phải huy động nhiều cơ quan, tổ chức tham gia, trong khi những việc này chính quyền hai xã, hai tỉnh hoàn toàn có thể giải quyết được", đại biểu dẫn chứng.
Mặt khác, quy định trên sẽ tạo ra việc chính quyền cấp xã đẩy việc lên chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp tỉnh đẩy việc lên Trung ương mà không tự giải quyết ngay từ đầu, không phát huy được tính chủ động.
Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp loại trừ trong quy định trên theo hướng đối với các vấn đề địa phương tự giải quyết được thì phân cấp cho thực hiện theo phương châm "địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm".
ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: Media Quốc hội.
Cho phép "cầm tay chỉ việc" nhưng cần giới hạn
ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề xuất tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, chủ tịch UBND để làm rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, xã.
Theo đại biểu, dự thảo luật thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đề cao trách nhiệm của UBND các cấp, nhất là cấp xã, phường. Tuy nhiên, ông đề nghị phải làm rõ thêm cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt liên quan ngân sách, đất đai, đầu tư.
"Với tinh thần việc gì tốt nhất cho người dân, cho sự phát triển thì ủng hộ phân cấp, phân quyền và thực hiện bằng được, việc có khả năng gây rủi ro phải tránh, đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể trực tiếp làm nhiệm vụ của UBND cấp dưới.
Tuy nhiên, cũng cần làm rõ trường hợp cần thiết là những trường hợp nào và việc hỗ trợ "cầm tay chỉ việc" của cấp tỉnh với cấp xã cũng cần giới hạn thời gian, chỉ nên thực hiện trong giai đoạn đầu, khi bộ máy thực hiện nhuần nhuyễn cần có sự điều chỉnh phù hợp", ông An nói.
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo luật đã xác lập rất đầy đủ về nguyên tắc, phạm vi, chủ thể, nội dung, hình thức, điều kiện để phân cấp, phân quyền và ủy quyền; kèm theo cả cơ chế kiểm soát đảm bảo phát huy vai trò chủ thể của chính quyền địa phương trong quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm mọi công việc thuộc thẩm quyền được giao.
Đối với quy định đại biểu nêu về việc UBND hoặc chủ tịch UBND tỉnh phải kịp thời giải quyết những vấn đề ở cấp xã trong những trường hợp cần thiết, đảm bảo sự thông suốt trong điều hành, không để đình trệ, gián đoạn, bà Trà cho rằng điều này là phù hợp với nguyên tắc của tổ chức chính quyền và gắn với thẩm quyền, trách nhiệm phân cấp, phân quyền nhưng không buông lỏng.
Đây cũng là công cụ để bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của người dân cũng như lợi ích của nhà nước.
Về nội dung "các trường hợp cần thiết", theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ là khi cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã không đủ năng lực để thực hiện một nhiệm vụ nào đó; là khi phát sinh những vấn đề khẩn cấp, phức tạp, nhạy cảm, vượt quá khả năng giải quyết ở cấp dưới; là các nhiệm vụ đột xuất bất thường cần phải phản ứng nhanh và kịp thời; là khi chủ tịch UBND tỉnh xác định có dấu hiệu trì trệ và né tránh; khi các tình huống cần phải điều phối, điều hòa liên vùng, liên xã trong trường hợp cấp bách.
“Nói là trong trường hợp cần thiết nhưng thực tế rất đa dạng, nếu không có cơ chế trên sẽ không đảm bảo được yêu cầu vận hành trơn tru, thống nhất, hiệu quả”, bà Trà nhấn mạnh.
Yến Chi
Trang Trần