“Đồng tiền đi liền khúc ruột” nên rất dễ hiểu khi việc tăng nhiều lần mức phạt với một số vi phạm phổ biến trong Nghị định 168/2024/NĐ-CP gây phản ứng trong một bộ phận người dân. Quả thật, số tiền 4-6 triệu đồng phải nộp cho một lần chạy xe máy vượt đèn đỏ, đi vào cao tốc, đi ngược chiều trên đường một chiều… là kết quả của hàng chục ngày lao động. Một lần nộp phạt, mức sống của gia đình trong tháng đó có thể bị ảnh hưởng.
Trên mạng xã hội, nhiều người kêu phạt như vậy thì nặng quá. Đúng là nặng, nhưng theo tôi điều đó rất cần thiết, vì chế tài phải đủ mạnh mẽ, cứng rắn mới có thể uốn nắn thói quen chạy xe tùy tiện, phớt lờ luật lệ đã thành thâm căn cố đế ở bộ phận không nhỏ người Việt, những người luôn có ý nghĩ coi thường rằng “chỉ là vượt đèn đỏ thôi mà, gây lộn xộn, ùn tắc chút thôi”.
Bao năm qua đã có rất có nhiều người thiệt mạng vì cái lỗi họ cho là nhỏ đó. Chẳng hạn hồi tháng 3/2024, một chàng trai 19 tuổi chở bạn gái trên xe máy vượt đèn đỏ ở giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu (Quận 1, TP.HCM), đâm vào đầu xe khách 47 chỗ. Cả hai người đều chết ngay tại hiện trường.
Một ngày tháng 6/2024, một chiếc xe đầu kéo vượt đèn vàng ở giao lộ Quốc lộ 1 - Vườn Lài (Quận 12, TP.HCM), tông vào xe máy do người phụ nữ 61 tuổi cầm lái, khiến bà bị thương nặng và qua đời tại bệnh viện.
Nhiều người phóng xe máy trên vỉa hè tránh ùn tắc. (Ảnh: Viên Minh)
Có thể thấy rõ, các quy định trong lĩnh vực giao thông được đặt ra là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Mỗi năm có khoảng 30.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trước mỗi vụ tai nạn thảm khốc, xót xa vì cái chết của người vô tội, dư luận bức xúc đòi hỏi trừng phạt nghiêm khắc những tài xế đi sai luật gây họa, chỉ trích chế tài chưa đủ sức răn đe. Và bây giờ, khi nguyện vọng này đã được hiện thực hóa trong quy định mới, sao lại phản đối?
Sau gần 3 tuần đi vào cuộc sống, Nghị định 168 đã tạo ra sự thay đổi mà những quy định với mức phạt nhẹ nhàng trước đó đã không làm được suốt nhiều năm trời. Tại khu vực đèn tín hiệu, dòng xe xếp hàng tăm tắp chờ đèn xanh bật thay vì nhao nhao xông lên rồi mắc cứng vào nhau ở giữa ngã tư. Các vỉa hè cũng không còn bị bịt kín bởi hàng trăm xe máy cố leo lên để vượt lên trước…
Rõ ràng, nguy cơ mất số tiền lớn có tác dụng điều chỉnh hành vi con người cao hơn những lời khuyên. Bao nhiêu thế hệ người Việt được học về những quy định giao thông cơ bản ngay từ khi còn nhỏ, nhưng lớn lên vẫn lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ, lấn làn vượt ẩu, cầm lái sau khi uống rượu bia…, khiến cho cụm từ “văn hóa giao thông ở Việt Nam” luôn mang màu sắc tiêu cực.
Ý thức cộng đồng kém như vậy, nhất định phải tìm ra biện pháp uốn nắn, và đánh vào kinh tế là cách hiệu quả nhất. Phạt nặng không phải để tăng thu, mà là để tạo phản xạ tuân thủ pháp luật, bằng việc khắc sâu ấn tượng về cái giá phải trả khi vi phạm, dần dần loại bỏ thói quen chạy xe vô pháp vô thiên đã in vào máu của không ít người.
Chính vì tài chính gia đình sẽ bị ảnh hưởng sau khi nộp phạt nên người dân sẽ không cho phép mình vi phạm. Mỗi khi cầm lái, họ phải tự nhắc nhở đi đúng luật, lâu ngày sẽ thành nếp. Mỗi người đều như vậy, chúng ta sẽ tạo ra cả thế hệ tài xế văn minh, tạo ra “văn hóa giao thông” với ý nghĩa đẹp đẽ ban đầu của cụm từ này.
Kỷ luật tạo ra ý thức tốt, đó chính là cách mà nhiều nước phát triển từng áp dụng trước khi có được trình độ văn minh như ngày nay. Ở Việt Nam, cách này cũng bộc lộ hiệu quả rõ rệt trong gần 20 ngày Nghị định 168 đi vào cuộc sống.
Nói đâu xa, chồng tôi trước đây chạy xe máy đôi khi vượt đèn đỏ với lý do “chiều bên kia có mấy xe đâu, mình vượt cũng chẳng ảnh hưởng”; tôi khuyên không được. Anh đã có lần bị cảnh sát giao thông “tuýt còi”, lập biên bản phạt 800 nghìn đồng. Vụ này khiến chồng tôi “ngoan” được ít ngày, nhưng sau đó hễ quan sát thấy thuận tiện là vẫn vượt.
Sau 1/1/2025 thì khác rồi, dù chưa bị phạt lần nào nhưng chỉ cần nghĩ đến việc mất 4-6 triệu cho một lần vượt đèn đỏ là chồng tôi răm rắp dừng khi thấy đèn vàng, cũng không còn dám lao lên vỉa hè lúc tắc đường nữa.
Hành vi vi phạm luật giao thông có thể dẫn đến những cái chết đau lòng, nhưng tôi tin phần lớn người vi phạm không phải muốn gây hại cho người khác mà chỉ vì không chiến thắng được quen thói tùy tiện của bản thân, ý thức pháp luật chưa tốt. Phạt nặng là cung cấp cho họ sự hỗ trợ trong việc kiểm soát hành vi của bản thân, để không xâm phạm quyền lợi và sự an toàn của cộng đồng.
Tôi thực sự rất thông cảm với sự khó khăn mà một số người sẽ phải đối mặt khi phải nộp phạt món tiền lớn; nhưng nếu lựa chọn giữa thiệt hại kinh tế này với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nạn nhân, chắc chắn tất cả mọi người đều biết rõ nên chọn bên nào. Sinh mạng con người phải là trên hết, là mục tiêu bảo vệ đầu tiên.
Tường Minh