Phật thủ Đắc Sở: 'Sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng'

Phật thủ Đắc Sở: 'Sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng'
7 giờ trướcBài gốc
Đã hơn một tháng sau khi bão số 3 quét qua làng phật thủ Đắc Sở, Hoài Đức (Hà Nội), nhưng thiệt hại để lại cho sản xuất nông nghiệp vùng ven sông Hồng vẫn chưa nguôi ngoai. Từ trên đê sông Hồng nhìn xuống, màu xanh tươi tốt của rau màu, hoa trái đã biến mất, thay vào đó là màu nâu xám của cây cối chết khô, gãy đổ và nhuộm đỏ bùn đất. Lại gần hơn, những con đường vẫn còn nhuầy nhụa bùn đất; mùi nồng nặc bởi các loại hoa màu bị thối hỏng đang phân hủy...
Bão lũ đã qua, nỗi buồn ở lại
Đắc Sở, vùng đất nổi tiếng với nghề trồng phật thủ, hiện có khoảng 500 hộ canh tác với diện tích hơn 350ha, trải rộng khắp các khu vực ven sông Hồng thuộc Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Sơn Tây. Trung bình mỗi năm, cây phật thủ mang lại doanh thu ước tính khoảng 500 tỷ đồng cho người dân nơi đây.
Những vườn phật thủ từng xanh mướt, trĩu quả – niềm hy vọng của bà con về một vụ mùa bội thu và cuộc sống đổi đời – chỉ trong chốc lát đã bị chìm trong biển nước. Giờ đây, chỉ còn lại bùn đất ngập ngụa và hàng trăm héc-ta cây phật thủ khô héo.
Dẫn phóng viên VnBusiness ra cánh đồng canh tác của HTX bị ngập nước, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT HTX Phật thủ Đắc Sở, chia sẻ: “Nước lên quá nhanh, chúng tôi không kịp trở tay. Chỉ trong chốc lát, toàn bộ diện tích canh tác đã bị nhấn chìm dưới dòng nước lũ đục ngầu."
Dù bão đã qua, nhưng hậu quả vẫn hiện hữu, thật khó để xoa dịu những mất mát này. Tuy nhiên, từ bỏ không bao giờ là lựa chọn của người dân Đắc Sở. Họ tin rằng sau khó khăn có thể lại mở ra những cơ hội mới.
Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Thay vì không khí hăng say lao động của người trồng với niềm hy vọng mang lại vụ mùa bội thu vào dịp Tết Nguyên Đán, thì nay chỉ còn lại cảnh hàng trăm ha Phật thủ chết khô, trắng xóa cả một vùng, bà con ai nấy đều nặng trĩu nỗi âu lo, bởi số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng nay bỗng dưng mất trắng.
Hàng trăm ha diện tích cây phậ thủ bị thiệt hại sau cơn bão số 3
Là đơn vị mới được thành lập, HTX Phật thủ Đắc sở hiện có 9 hộ thành viên, đang canh tác trên diện tích hơn 10ha, cây phật thủ là cây trồng chủ lực, trong đó, hơn 3ha bị thiệt hại hoàn toàn, phần còn lại bị thiệt hại từ 70-80%. Con số thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Phú Dũng, thành viên HTX Phật thủ Đắc Sở cho biết, diện tích trồng phật thủ của gia đình là hơn 1ha, cây trồng đã được 3 năm tuổi, bắt đầu ra quả rất đẹp, dự kiến sẽ thu đúng dịp tết. Nhưng tất cả đã héo khô sau bão lũ. “Không kể ngày công lao động của cả gia đình, tôi đầu tư vào vườn phật thủ này hàng trăm triệu đồng. Đây là toàn bộ tích lũy của gia đình cộng với vay mượn anh em họ hàng bằng vàng. Nay vườn cây bị thiệt hại nặng nề, tôi chưa biết phải làm sao”, ông Dũng nói.
Cùng cảnh ngộ với ông Dũng, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng cũng canh tác hơn 4 mẫu Phật thủ, tất cả đang ra quả đẹp, hứa hẹn một vụ mùa bộ thu, nhưng giờ đã chết hết. “Tôi đầu từ vào hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động, thoát nước, phân bón, giàn leo cho cây ... không tính công lao động của gia đình, chỉ trong 1 đêm sau khi thức giấc, số tiền hàng tỷ đồng đã không cánh mà bay.
Theo báo cáo của UBND xã Đắc sở, tổng thiệt hại hoa màu sau bão, tính cả diện tích canh tác trong và ngoài xã là gần 230 tỷ đồng. Dù bị thiệt hại nặng nề, khả năng khôi phục lại là rất hạn chết, nhưng hầu hết người dân tại làng phật thủ Đắc Sở không ai muốn chuyển đổi sang cây trồng khác. Bởi nghề trồng phật thủ đã gắn bó, mang đến niềm vui và cơ hội làm giàu cho nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Tìm cơ hội mới
Hiện tại, hầu như tất cả các hộ thành viên HTX cũng như những người nông dân tại Đắc Sở đều chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra. Tại các cánh đồng nước đã rút hết, các hộ thành viên và bà con nông dân đang gấp rút dọn dẹp, nhanh chóng trồng cây mới thay thế cho những cây đã chết, tiến hành áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm cứu vãn những cây còn sự sống.
Cây phật thủ Bonsai sẽ là hướng đi phát triển bền vững cho các hộ thành viên HTX cũng như bà con tại Đắc Sở.
Ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT HTX Phật thủ Đắc Sở cho biết, từ vài năm trở lại đây, nhận thấy việc trồng phật thủ lấy quả cứ 5 năm lại phải trồng lại và chuyển vùng đất mới, nên về lâu dài tính ổn định không cao, hơn nữa diện tích canh tác phần lớn là ngoài đê nên khi mưa lũ không tránh được thiệt hại. Do đó, nhiều hộ thành viên HTX đã chủ động tìm hiểu, học tập và bắt đầu phát triển cây phật thủ cảnh để bán Tết, bởi loại cây cảnh này không cần diện tích quá lớn, mỗi nhà chỉ vài sào cũng cho thu nhập như vài mẫu phật thủ lấy quả.
Đây được coi là hướng đi mới để HTX cũng như người dân Đắc Sở tính toán lại sản xuất, không phải tốn thêm chi phí thuê đất và đi làm ăn xa, diện tích canh tác không cần quá lớn. Như vậy sẽ hạn chế được những rủi ro như thiên tai bão lũ vừa qua, trong khi đó vẫn mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc trồng phật thủ cảnh là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức hơn so với việc chỉ lấy quả, thời gian cây trưởng thành có thể xuất bán từ 2-5 năm, tùy loại và mức giá.
Ông Nguyễn Phú Dũng, thành viên HTX Phật thủ Đắc Sở cho biết, từ vài năm trước, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng trong việc chơi cây cảnh, đặc biệt là dịp Tết, nên đã tìm hiểu, học hỏi, và phát triển gần 500 cây phật thủ cảnh dạng Bonsai, đây sẽ là hướng đi bền vững để phát triển kinh tế trong bối cảnh diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp.
“Từ bỏ vốn chưa bao giờ có trong suy nghĩ của những người trồng cây phật thủ, bởi cây phật thủ vốn mang lại kinh tế, đồng thời cũng ăn sâu vào tiềm thức của bà con nơi đây rồi. Bão lũ, thiên tai đã qua, giờ là lúc chúng tôi sẽ phải gượng dậy bằng những hướng đi mới, biết đâu sau tai họa lại là thời cơ, nhất là với những người làm phật thủ cảnh”. Ông Dũng cho biết thêm.
Trước mắt, để sớm ổn định tình hình các hộ thành viên HTX cũng như bà con nông hộ mong muốn được Nhà nước có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để bà con có cơ hội phục hồi lại sản xuất. Bên cạnh đó là những chính sách giãn nợ, khoanh nợ đối với các hộ đang vay vốn bị thiệt hại, không có khả năng trả nợ đúng thời hạn; được hỗ trợ nguồn cây giống, vật tư sản xuất, phân bón… để các hộ thành viên HTX cũng như bà con nông dân tái thiết sản xuất.
Phạm Hòa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/phat-thu-dac-so-sau-con-mua-troi-se-lai-sang-1102882.html