Bắc Hà được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2019, đồng thời được xác định là trung tâm kết nối du lịch phía Đông của tỉnh theo cung đường từ Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thành phố Lào Cai - huyện Bắc Hà - huyện Si Ma Cai - huyện Mường Khương; cung đường du lịch giữa các huyện phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang với tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của Bắc Hà chưa được phát huy và khai thác hiệu quả, chưa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, tạo sức cạnh tranh với các điểm đến khác trong tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc.
Thảo nguyên Cốc Sâm (Cốc Ly) đẹp như bức tranh.
Bắc Hà có nguồn tài nguyên du lịch địa phương phong phú, đa dạng. Khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ và hấp dẫn như động Thiên Long (xếp hạng danh thắng cấp quốc gia); núi Cô Tiên (xã Tà Chải); hang Tiên (xã Bảo Nhai); núi Ba Mẹ Con (thị trấn Bắc Hà); rừng già Bản Liền; rừng nguyên sinh xã Tả Van Chư; rừng gỗ nghiến và thảo nguyên Cốc Sâm, xã Cốc Ly; rừng chè cổ thụ xã Hoàng Thu Phố; rừng sa mu và ruộng bậc thang (xã Lùng Phình, xã Tả Củ Tỷ); thác Sông Lẫm (xã Tả Củ Tỷ); điểm ngắm cảnh thôn Ngải Thầu (xã Na Hối)... phù hợp với các hoạt động du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá. Ngoài ra, vẻ đẹp hấp dẫn của các lòng hồ thủy điện cũng là nguồn tài nguyên quý giá để hình thành hoạt động du lịch khám phá thể thao mạo hiểm sông nước, du lịch nghỉ dưỡng. Nguồn lợi thủy sản phong phú ở vùng hồ Cốc Ly góp phần xây dựng văn hóa ẩm thực dọc thung lũng sông Chảy của huyện Bắc Hà.
Ẩm thực Bắc Hà đặc sắc.
Bên cạnh đó, Bắc Hà cũng là địa phương có tài nguyên văn hóa. Hiện nay, địa phương có 4 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia, gồm: Dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, đền Trung Đô, động Thiên Long và di tích cấp tỉnh đồn Bắc Hà. Bắc Hà còn có 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật khèn của người Mông; nghệ thuật The Xong, múa xòe của người Tày xã Tà Chải; kéo co của người Tày, người Giáy; nghi lễ Then của người Tày; lễ hội Gầu tào của người Mông; chữ Nôm của người Dao; nghi lễ cấp sắc của người Dao; lễ Khoi kìm (cúng rừng) của người Dao; nghệ thuật trang trí trên trang phục của Mông hoa; Lễ hội đua ngựa; Nghi lễ kéo co dân tộc Tày, Giáy và hành Then Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân tộc thiểu số ở Bắc Hà có nhiều nghề truyền thống, hấp dẫn du khách.
Huyện Bắc Hà là nơi chung sống của 14 dân tộc anh em; các làng, bản vẫn gìn giữ được những kiến trúc và sinh hoạt văn hóa dân tộc truyền thống. Bắc Hà còn nổi tiếng với những chợ phiên vùng cao độc đáo. Đặc biệt, chợ phiên Bắc Hà đã được bình chọn là 1 trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á và khu vực châu Á. Ngoài ra, nơi đây còn gìn giữ các nghề thủ công truyền thống như nấu rượu ngô, may trang phục truyền thống bản địa của đồng bào dân tộc Mông, Dao; làm cốm; đan nón lá; làm đàn tính; làm gậy Sinh tiền; làm khèn Mông...
Dinh thự Hoàng A Tưởng - công trình kiến trúc độc đáo
Ngoài tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, huyện Bắc Hà còn thuận lợi về địa hình. Huyện nằm trong không gian vùng liên huyện Mường Khương - Si Ma Cai - Bắc Hà. Trong đó, Bắc Hà được định hướng trở thành trung tâm du lịch vùng núi cao Đông Bắc của tỉnh, có điều kiện thuận lợi để liên kết, kết nối phát triển du lịch giữa các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai theo tuyến Sa Pa - thành phố Lào Cai - Bắc Hà - Si Ma Cai - Mường Khương, đồng thời trở thành cầu nối du lịch giữa 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang.
Bắc Hà có mối liên hệ thuận lợi với thị trường du lịch từ Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc thông qua tuyến hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài ra, theo tuyến hành lang Côn Minh - Lào Cai, Bắc Hà có khả năng thu hút luồng khách từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bởi ngoài yếu tố kết nối về giao thông còn là mối quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Bắc Hà còn có khả năng kết nối với tuyến vòng cung Tây Bắc (Mai Châu - Mộc Châu - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa). Theo đó, từ Sa Pa liên kết với huyện Bắc Hà theo các trục đường Quốc lộ 4D, cao tốc Nội Bài - Lào Cai (hoặc Quốc lộ 70) và đường tỉnh 153.
Xây dựng Bắc Hà thành điểm đến đặc sắc của tỉnh
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, du lịch Bắc Hà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là bước đột phá về kinh tế. Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc; thị trấn Bắc Hà thực sự trở thành trung tâm du lịch của vùng núi cao Đông Bắc tỉnh Lào Cai. Phấn đấu đón trên 2,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 54 nghìn lượt khách. Đề án được kỳ vọng sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách cho huyện Bắc Hà. Đến năm 2030, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 3.900 tỷ đồng, đóng góp trên 20% trong tổng sản phẩm của huyện, đồng thời góp phần đưa huyện Bắc Hà thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, chuyển dịch cơ cấu xu hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, tạo giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống Nhân dân.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Hà trở thành điểm đến xanh và là khu du lịch quốc gia mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; đón gần 5 triệu lượt khách và tổng thu từ khách du lịch đạt trên 15.000 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia và đảm bảo thân thiện với môi trường.
Bắc Hà thu hút du khách bằng nét văn hóa đặc sắc.
Để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2030, huyện Bắc Hà sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch như: Sản phẩm du lịch Cao nguyên trắng Bắc Hà bốn mùa nghiêng say; xây dựng các vùng cảnh quan phục vụ tham quan, trải nghiệm: du lịch khám phá, mạo hiểm, “săn mây”, nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch chợ phiên Bắc Hà.
Mùa mận ở Bắc Hà phù hợp để du khách trải nghiệm.
Ngoài các khu vực chợ truyền thống hiện nay, địa phương sẽ kết nối thêm khu vực tuyến phố đi bộ Na Cồ; khai thác dinh thự Hoàng A Tưởng; khai thác giá trị nổi bật của “Lễ hội đua ngựa”, định hướng phát triển sản phẩm du lịch, hình thành các khu vực chức năng, đầu tư hạ tầng du lịch.
Đầu tư, khai thác du lịch thể thao tổng hợp, cụ thể khai thác địa hình núi cao, hiểm trở, hệ thống sông, suối, ghềnh thác, đặc biệt là sông Chảy có cảnh quan đẹp rất thuận lợi để phát triển du lịch thể thao tổng hợp. Đồng thời, đăng cai tổ chức các giải thể thao cấp quốc gia tại Bắc Hà như: Đua xe địa hình, chèo thuyền, vượt thác ghềnh...
Chợ Bắc Hà hấp dẫn du khách.
Bên cạnh xây dựng sản phẩm, Bắc Hà sẽ nâng cấp và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong đó phát triển thêm một số cơ sở đạt tiêu chuẩn du lịch ASEAN; thu hút đầu tư xây dựng khách sạn 4 sao và hệ thống nhà hàng cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Cần nâng cấp các cơ sở lưu trú.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; bổ sung các điểm du lịch cấp tỉnh; phát triển các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gắn với quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Huy Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ du lịch Bắc Hà.
Điều hấp dẫn nhất ở Bắc Hà chính là cảnh quan nguyên sơ, thanh bình cùng nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, tất cả những điều đó cần được lưu giữ và khai thác tốt để trở thành sản phẩm du lịch. Những người làm du lịch mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của nhà quản lý, các cơ quan chức năng để du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng. Cần có sự thay đổi cách nhìn về tiêu chí đô thị du lịch, gắn với bản sắc, kiến trúc, cảnh quan để không phá vỡ những điều hấp dẫn hiện có của Bắc Hà. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xây dựng để tạo thuận lợi cho việc mở rộng không gian kết nối du lịch giữa các địa phương.
Ông Trần Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà.
Quan điểm của huyện Bắc Hà đã được xác định trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Thời gian qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), Bắc Hà bị thiệt hại nặng nề, vậy nhưng được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình của Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch, những tháng cuối năm 2024, du lịch Bắc Hà có nhiều tín hiệu tích cực.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề án, năm 2025, Bắc Hà sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới; mở rộng quy mô của lễ hội 4 mùa, đặc biệt là phối hợp với các sở, ngành và các huyện bạn để quảng bá và xúc tiến du lịch; khai thác tốt các nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Ông Lại Vũ Hiệp, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh.
Trong cả năm qua, toàn ngành du lịch đã cùng với Bắc Hà tổ chức nghiên cứu xây dựng đề án, sản phẩm du lịch. Để thực hiện hiệu quả đề án, ngành du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cùng Nhân dân giữ gìn bảo tồn nét đẹp thiên nhiên về cảnh quan, truyền thống văn hóa đặc sắc của Bắc Hà; cùng Bắc Hà tập trung xây dựng các sản phẩm như chợ văn hóa, chợ du lịch Bắc Hà trở thành thương hiệu. Đặc biệt là phối hợp với chuyên gia tới từ vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) xây dựng sản phẩm festival ngựa Bắc Hà. Đây là sản phẩm đặc trưng của địa phương hy vọng thu hút du khách. Thời gian tới, Sở Du lịch phối hợp với địa phương hoàn thiện, nâng quy mô, nội dung, tính chất của Festival Nghiêng say Bắc Hà, nhằm đưa Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc trong tương lai.
Hoàng Thu
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/phat-trien-bac-ha-thanh-diem-den-dac-sac-post395022.html